Luật Thuế bất động sản được coi là có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn. Đối tượng điều chỉnh là đất, nhà và công trình xây dựng nên có phạm vi và tác động đến toàn thể người dân và doanh nghiệp trên cả nước; nhiều nội dung mang tính kỹ thuật như giá tính thuế, thuế suất...
|
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm. |
Trao đổi với Khoa học và Đời sống, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, muốn xây dựng Luật Thuế bất động sản hiệu quả, thiết thực thì phải chờ Luật Đất đai thông qua, vì hiện nay Luật Đất đai đang còn nghiên cứu gia tăng quyền sử dụng đất, không những chỉ phần ngầm, phần đất, mà còn phần trên mặt đất; thậm chí, còn có quyền ưu tiên phát triển không gian, quyền đặc thù khi đã sử dụng đất.
“Các cơ quan xây dựng luật cần thận trọng hơn, đảm bảo đồng bộ các luật”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng nhận định: “Luật Đất đai là bộ luật "xương sống" của nhiều Luật khác có liên quan đến lĩnh vực đất đai. Do đó, phải có một Luật Đất đai hoàn chỉnh, làm nền tảng để đưa ra các luật khác, trong đó có Luật Thuế bất động sản. Điều này sẽ tránh được những bất cập, tiêu cực, lãng phí và thực sự đưa pháp luật vào thực tiễn với tính đồng bộ và khả thi”.
Theo tài liệu từ Bộ Tư pháp, có nhiều đề xuất theo hướng tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần nhằm đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn; điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi):