Có cán bộ, có cũng như không
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ sửa đổi Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nội dung và hình thức lấy phiếu tín nhiệm cơ bản vẫn giữ nguyên 3 mức đánh giá là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". Một số cử tri thắc mắc, sao không để ra hai mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm"?
Giữ nguyên các mức lấy phiếu tín nhiệm như cũ thì rõ ràng chỉ là để tham khảo, chứ chưa thể đánh giá cán bộ một cách chuẩn xác. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì cần có thêm bước nữa cho người tín nhiệm thấp là bỏ phiếu với hai mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Coi như đó là bước xử lý sau bước tham khảo, nhắc nhở. Việc bỏ phiếu tín nhiệm không phải là để giải quyết vấn đề nhân sự. Việc đánh giá cán bộ qua phiếu tín nhiệm nhiều khi cũng cảm tính, một cán bộ chỉ cần sai sót việc này việc kia là có thể nhận mức tín nhiệm thấp, trong khi có những cán bộ không làm gì cả thì không bao giờ sai, nên tín nhiệm cao.
Nghĩa là việc lấy phiếu tín nhiệm cũng được coi là yếu tố để cán bộ phải cố gắng làm tốt hơn?
Tôi nghĩ rằng cán bộ tín nhiệm thấp sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt hơn, còn nếu lấy phiếu tín nhiệm mà đánh giá được cán bộ thì cần gì đến các cơ quan tổ chức cấp ủy nữa. Kết quả của lần lấy phiếu tín nhiệm trước cho thấy, người làm trong cơ quan lập pháp thì tín nhiệm cao bởi đó là lĩnh vực ít va chạm. Còn những người làm trong các lĩnh vực như giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục... là những vấn đề va chạm nhiều nên dễ dẫn đến phiếu tín nhiệm thấp.
Rõ ràng ngay cả trong việc lấy phiếu tín nhiệm này cũng dễ gây ra sự không công bằng trong đánh giá cán bộ?
Đúng là thế, vì lĩnh vực của mỗi người là khác nhau. Có những cán bộ mà "có cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui". Nghĩa là có hay không có cán bộ đó cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng có những vị trí phải va chạm với rất nhiều công việc, vị trí, rất nhiều người khác nhau, thì rất dễ có những sai sót.
|
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư. |
Không để cán bộ bị oan
Như ông vừa nói, nếu lấy phiếu tín nhiệm chỉ để tham khảo thì liệu có gây ra tình trạng lấy phiếu chỉ là hình thức?
Thực ra không phải như vậy, ở góc độ nào đó nó cũng có ý nghĩa, là động lực để cán bộ phấn đấu làm cho tốt công việc của mình. Tới đây việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp cũng phải chú ý vào nội dung lấy phiếu để kết quả lấy phiếu là khách quan, không mang tính hình thức.
Theo ông thì vì sao Quốc hội lại không đặt vấn đề lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm"?
Tôi nghĩ là Quốc hội đã tính toán rất kỹ rồi. Đánh giá cán bộ khó lắm, làm sao để khách quan mà đúng đắn. Việc để 3 mức đánh giá có lẽ là để tránh bị oan cho cán bộ, tránh gây ra những xáo trộn không đáng, không đúng với bản chất cán bộ. Cán bộ tín nhiệm thấp thì sửa chữa, khắc phục, nếu lần lấy phiếu sau mà vẫn không khắc phục được thì mới phải tính đến việc bãi miễn.
Rõ ràng việc xử lý kết quả sau lấy phiếu thế nào cũng là một nội dung không thể xem nhẹ?
Nếu cán bộ tín nhiệm thấp mà sau đó vẫn trì trệ, công việc vẫn bê bết thì phải có cách xử lý. Trong công tác cán bộ cũng có khâu này. Để không bị bãi miễn thì cán bộ yếu kém nên từ chức trước khi bị bãi miễn. Lần trước Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, cũng có vị bộ trưởng đến gặp tôi than phiền. Sau đó thì vị bộ trưởng ấy đã làm quyết liệt để vực dậy các hoạt động của ngành mình, được dư luận rất đồng tình ủng hộ. Rõ ràng việc một cán bộ có ít phiếu tín nhiệm cũng giúp cán bộ tiến lên, không chủ quan.
Hình ảnh không quan trọng bằng tiền
Qua trải nghiệm thực tế tôi thấy có người nói rất hay, rất đi vào lòng người, nhân viên ai cũng thấy xúc động, nhưng làm thì lại dở, thậm chí là chẳng làm gì, ngược lại có người ít khi nói, thậm chí hay nói những điều gai góc khó nghe, nhưng họ lại làm tốt, vậy thì đâu là cán bộ tốt?
Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Lê Duẩn về công tác cán bộ: "Đức tài nói cho cùng là ra hiệu quả. Hiệu quả là sợi chỉ đỏ để đánh giá đức tài". Mọi lý thuyết về cán bộ đều quy về tính hiệu quả. Có nói thánh nói tướng gì cũng vô nghĩa nếu trong công việc, người ta không nhìn thấy hiệu quả đâu.
Vậy thì cán bộ làm thế nào để xây dựng được cho mình một hình ảnh đẹp?
Một cán bộ tận tụy, dám làm nhiều điều vì dân giống như hình ảnh Bí thư Kim Ngọc là hình ảnh mà các cán bộ cần hướng tới. Hãy làm việc tận tụy, nghĩ đến lợi ích của người dân trước lợi ích của bản thân thì tự nhiên sẽ xây dựng được cho mình hình ảnh đẹp trong lòng dân. Trong một gia đình, cùng điều kiện chăm sóc và môi trường đó, nhưng có đứa thông minh sáng tạo, có đứa thì chỉ đâu làm đó, có đứa thì không làm được gì, làm gì cũng hỏng. Cán bộ cũng như vậy. Chỉ đáng tiếc là số cán bộ tận tụy một lòng vì dân, quên cả lợi ích của mình thì ít quá.
Theo ông thì cán bộ hiện nay đã biết xây dựng hình ảnh bản thân chưa?
Tôi đã nói nhiều về thực trạng cán bộ hiện nay, cán bộ bị tác động lớn bởi các nhóm lợi ích. Người ta có thể mua cán bộ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hóa biến chất, mà nguồn gốc của nó chính là lợi ích nhóm đã làm hỏng cán bộ. Nhiều cán bộ, hình ảnh bản thân không quan trọng bằng tiền. Tiền là tiên là phật. Bởi thế mới có tình trạng nhiều cán bộ xây những tòa nhà nguy nga như cung điện, ăn uống tiêu xài hoang phí.
Giả sử lấy phiếu tín nhiệm trong dân thì ông dự liệu kết quả sẽ như thế nào?
Lòng tin của nhân dân vào cán bộ đã suy giảm đi nhiều lắm rồi. Cán bộ nói dân không tin nữa, bởi họ chỉ nhìn vào hành động, vào công việc, lối sống của cán bộ thì họ thấy mất đi niềm tin.
Có người nói rằng nếu không có tham nhũng, nếu những thất thoát của nền kinh tế ít hơn thì "sức khoẻ" của đất nước cũng tốt hơn, và đương nhiên là khả năng chống lại kẻ thù xâm lược cũng sẽ mạnh hơn?
Nếu tham nhũng ít đi, chắc chắn sức mạnh của ta sẽ nhiều hơn. Đây không phải là sức mạnh kinh tế, không phải là tiềm lực quân sự, mà là sức mạnh của lòng tin của người dân được nhân lên. Lòng tin mà vững chắc thì không kẻ thù nào có thể xâm lược, nó có vai trò vô biên.
Xin cảm ơn ông!
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ chưa lấy phiếu tín nhiệm thành viên do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu và phê chuẩn trong kỳ họp lần này. Về đối tượng lấy phiếu vẫn giữ nguyên là các thành viên do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu và phê chuẩn. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm 1 năm/lần sẽ không có cơ hội để các cán bộ nhận ra khuyết điểm của mình và sửa chữa. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ sửa đổi theo hướng lấy phiếu vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ và thường vào kỳ họp cuối của năm thứ 3. Về hình thức lấy phiếu vẫn giữ nguyên 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Việc này để phân biệt rõ giữa việc lấy phiếu và bỏ phiếu.