Dương Tự Trọng: "Anh Ngọ bảo anh tôi lánh... thì phải nghe"

Google News

(Kiến Thức) - Tại phiên tòa hôm nay, ông Dương Chí Dũng và vợ là bà Mai Phương xuất hiện với tư cách nhân chứng của vụ án. Vợ Dương Tự Trọng cũng có mặt trong phiên tòa.

Tại tòa, Dương Tự Trọng bộc bạch về việc anh trai là Dương Chí Dũng đã nhận phán quyết cuối cùng: "Anh Dũng có bị tử hình hay không không quan trọng nhưng gia đình chúng tôi, những người thân, con cái chúng tôi còn đau đầu về chuyện này. Gia đình chúng tôi tin anh Dũng không có tội".
 
Cựu Đại tá công an cũng khai, bản thân biết về "mối quan hệ giữa anh Dũng và anh Ngọ". Cuối giờ chiều hôm đó, Trọng điện thoại cho anh trai, Dương Chí Dũng giọng buồn, bảo tình hình xấu lắm, Thủ tướng yêu cầu phải bắt và bảo Trọng bố trí xe đón.
"Lúc đó, đầu tiên là tôi thương anh, sau đến bố mẹ. Tôi bảo anh nên lánh đi 1 thời gian, anh Ngọ đã bảo thế rồi thì phải nghe", Trọng thuật lại.
Dương Tự Trong kể tiếp: "Anh Dũng nói ý đồ đi nước ngoài, tôi hỏi chắc chưa, anh Dũng nói là anh Ngọ đã nói rồi. Anh Dũng đòi đi xe ôm 1 mình nhưng tôi lo anh tôi chỉ là một doanh nhân, không quen giang hồ nên tôi đã cho người đi cùng anh Dũng. Lúc đó, tôi chỉ tâm niệm đưa anh Dũng đi trốn, chỉ nghĩ là mình che giấu tội phạm. Đến lúc này, tòa xử tội gì cũng đúng”.
Bị cáo Dương Tự Trọng tiếp tục trình bày: "Tôi gọi Sơn sang phòng làm việc. Sơn không biết việc đi đón anh Dũng vì nguyên tắc chỉ đạo án là ai làm người ấy biết. Tôi chỉ nói là tình hình anh Dũng xấu, sẽ có lệnh bắt. Đến ngày 18, tôi mới nói hết cho Sơn. Toàn bộ vai trò của Sơn cũng như người khác chỉ là thực hành".
Cũng theo lời khai của Dương Tự Trọng, bị cáo Tuấn không biết gì, thậm chí lúc Dương Chí Dũng bị khởi tố cũng không biết vì lúc đó, thông tin bắt Dương Chí Dũng là bí mật quốc gia.
Kết thúc phần xét hỏi các nhân chứng trong phiến tòa phúc thẩm sáng nay, các thành viên HĐXX tiếp tục thẩm vấn để làm rõ các chi tiết trong quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Dương Chí Dũng, người đã nhận án tử hình trong phiên tòa trước đó, có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách nhân chứng. Tại tòa, Dương Chí Dũng thuật lại: “Chiều ngày 17/5/2012, tôi được anh Ngọ thông báo việc mình sẽ bị khởi tố. Lúc đó có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến, trong đó có điện thoại của chú Trọng. Bị cáo chỉ thông tin cho chú Trọng là anh Ngọ nói tránh đi một thời gian. Chú Trọng có hỏi lại sao phải trốn, rồi bảo tôi đi về Nguyễn Khánh Toàn, có Nhung ra đón. Tôi ở nhà Nhung hơn 1 tiếng, sau đó xuống nhà ăn cơm, rồi lại lên phòng nằm, không nói chuyện với cô Nhung và gia đình".
Cựu Chủ tịch Vinalines tiếp tục thuật lại hành trình "đi lánh" của mình: "Sau đó, Bị cáo Tuấn đến nói đi và tôi cứ thế đi theo, không nói gì cả. Tôi nói Thắng đi Quảng Ninh, đến Móng Cái. Trong thâm tâm tôi muốn sang Trung Quốc cho gần. Trên đường đi, bấm thấy hướng Đông Bắc xấu, trong cặp của tôi có hộ chiếu visa đi Mỹ chưa hết hạn vì con gái út đang học bên đó nên tôi chuyển hướng sang Campuchia để sang Mỹ.
Tôi nói với Thắng tìm chỗ nghỉ để đi miền Nam. Cả Thắng và Tuấn đưa tôi vào nhà ông Cường. Để không ảnh hưởng đến gia đình, tôi lên gác nằm luôn, sáng hôm sau dậy nói đi chữa bệnh.
Để sang Campuchia, lúc đầu tôi tính định đi xe ôm. Chú Trọng nói không được, sợ tai nạn. Quyết định trốn là tôi. Tôi rất tin vào anh Ngọ, chú Trọng và những người khác chỉ có làm theo thôi. Đi ra Quảng Ninh là do tôi. Việc thay đổi hướng sang Campuchia là do tôi. Trọng chỉ bố trí xe và người cho tôi. Tất cả do tôi quyết định".
Tòa hỏi: “Nếu Dương Tự Trọng không giúp anh, liệu anh có trốn được không?”
Dương Chí Dũng trả lời: “Tôi vẫn trốn sang được, nhưng sẽ loay hoay xử lý đóng dấu nhập cảnh thôi. Nhưng rồi cũng phải tìm cách, vào cảnh ấy thì ai cũng phải tính thôi”.
Tòa: “Đến bây giờ anh nghĩ việc bỏ trốn đó là hoàn toàn sai lầm không?”
Dương Chí Dũng: “Tôi rất thấm thía, đau khổ vì sai lầm. Tất cả mọi người, từ em trai đến bạn bè thân thiết trong gia đình bị như thế này, tôi rất khổ tâm”.
 Dương Chí Dũng có mặt tại tòa ngày hôm nay với tư cách nhân chứng.
Hôm nay (22/5), TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm về hành vi “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.
8h, phiên tòa bắt đầu làm việc, HĐXX kiểm tra nhân thân, căn cước của 7 bị cáo tại tòa.
Chủ tọa phiên tòa Hà Thị Xuyến, thay mặt HĐXX, đọc quyết định xét xử phiên tòa. Trước đó, các luật sư bào chữa cho biết, do vắng một số nhân chứng hợp pháp vì lí do sức khỏe nên các luật sư đề nghị tòa xem xét việc có tiếp tục hay không.
Tại phiên tòa, ông Dương Chí Dũng (đã nhận bản án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm trước đó) và vợ là bà Phạm Thị Mai Phương đều xuất hiện với tư cách nhân chứng của vụ án. Bà Phạm Thị Thanh Hằng, vợ bị cáo Dương Tự Trọng cũng có mặt trong phiên tòa hôm nay.
Sau khi đọc quyết định xét xử phiên tòa, chủ tọa công bố bản tóm tắt toàn bộ nội dung vụ án “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.
 Bà Phạm Thị Mai Phương, vợ Dương Chí Dũng cũng đến tòa làm nhân chứng.
8h35, HĐXX bắt đầu vào phần xét hỏi các bị cáo. Đầu tiên là bị cáo Vũ Tiến Sơn, sau đó đến bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn).
Theo lời khai của bị cáo Dũng, ban đầu, Dương Tự Trọng liên lạc qua điện thoại, nói 'có việc muốn nhờ'. Sau đó, Dũng gặp Dương Tự Trọng và được biết Trọng nhờ đưa Dương Chí Dũng qua Campuchia. "Anh Trọng nói muốn đưa anh Dũng sang Campuchia nhưng không muốn dùng hộ chiếu", Dũng khai.
 Dương Tự Trọng cười khi được đưa đến Tòa sáng nay (22/5).
Bị cáo Trần Tiến Sơn cũng khai nhận, Dương Tự Trọng là người đề xuất đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn. “Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai pháp luật. Khi thực hiện hành vi này, bị cáo chủ yếu dựa vào tình cảm anh em, tình cảm này được mọi người tôn trọng nên tôi cũng trân trọng. Bị cáo nhận thấy tình cảm của mình đã vượt quá dẫn đến sai pháp luật”, bị cáo Sơn nói.
Trước đó, trong 2 ngày 7 và 8/1/2014, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo bị truy tố tội “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.
Trong số 7 bị cáo này có cựu đại tá Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng - người vừa bị tuyên án tử hình trong phiên xử phúc thẩm vừa qua).
 Bà Hằng (vợ ông Dương Tự Trọng - áo hồng, đứng) tại tòa.
Theo cáo trạng tại phiên sơ thẩm, ngày 17/5/2012, cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng sau khi nghe mật báo bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã gọi cho ông Dương Tự Trọng (em trai) và được hướng dẫn tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái của ông ta.
Tối 17/5/2012, ông Dũng được người của ông Trọng đưa về huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Việc tổ chức đưa ông Dũng trốn ra nước ngoài được Vũ Tiến Sơn (cựu phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng) thay mặt ông Trọng giải quyết.
Ông Dũng sau đó được đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (4/9/2012).
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm và kết thúc phiên phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng, 7 bị cáo trong vụ “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài” đã đồng loạt kháng cáo đề nghị được giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa sơ thẩm và tại cơ quan điều tra, bị cáo Dương Tự Trọng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX vẫn đủ cơ sở nhận định Dương Tự Trọng là chủ mưu đưa anh trai mình trốn ra nước ngoài.
Bản án sơ thẩm đã tuyên đới với 7 bị cáo:
- Dương Tự Trọng (52 tuổi, nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII - Bộ Công an): 18 năm tù.
- Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, nguyên phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng): 13 năm tù.
- Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, nguyên cán bộ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng): 5 năm tù.
- Đồng Xuân Phong (39, quê Hải Phòng): 7 năm tù.
- Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn, 45 tuổi, quê Bắc Kạn): 8 năm tù.
- Nguyễn Trọng Ánh (28 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng): 6 năm tù.
- Phạm Minh Tuấn (52 tuổi, quê Hải Phòng): 5 năm tù.

Minh Hiếu

Bình luận(0)