Các cơ quan chức năng huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đang làm rõ thông tin vụ dàn dựng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi giữa bãi rác tại xã Hải Hưng.
Thông tin vụ việc, khoảng 12h40 ngày 2/12, chị N.T.M (ở thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu) cùng 2 phụ nữ khác đi làm qua cổng khu vực xử lý rác thải của xã Hải Hưng đã phát hiện một bé sơ sinh đặt trong túi ni lông giữa thời tiết rét buốt.
Lá thư để lại có nội dung:"Tên con là An Nhiên, đẻ 14 ngày. Do hoàn cảnh mẹ không nuôi được con, mẹ xin lỗi con. Mong ai nhặt được cháu xin cưu mang cháu, nuôi dạy cháu nên người. Tôi xin cảm ơn".
|
Hình ảnh cháu bé. |
Sau đó chị M đã báo chính quyền, đồng thời có nguyện vọng chăm sóc cháu bé trong thời gian lực lượng chức năng tìm thân nhân cho bé. Đáng chú ý, sau đó trên mạng xã hội chia sẻ thông tin liên quan đến sự việc cháu bé bị bỏ rơi là "không đúng sự thật". Đồng thời cho rằng, nội dung chị M. cùng đồng nghiệp đưa tài khoản ngân hàng lên Facebook để kêu gọi ủng hộ cho cháu bé là "có vấn đề". Một số hình ảnh được cho là cháu bé bị bỏ vào túi, được mẹ cháu bé xách đi trên xe máy của người đàn ông chở ra bãi rác.
Đáng chú ý, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu cho biết, kết quả xác minh ban đầu, mẹ của cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi, tên là H. đã có gia đình và có con. Do có mối quan hệ phức tạp bên ngoài nên chị H. bị gia đình 2 bên nội, ngoại từ mặt. Khi mang thai khoảng 6 tháng, chị H. có gặp chị M.
Theo vị lãnh đạo này, do hoàn cảnh khó khăn nên 2 người bàn nhau dựng lên màn kịch bỏ rơi cháu bé sơ sinh vào ngày 2/12 ở khu vực bãi rác xã Hải Hưng để kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng. Đến nay, chị M. kêu gọi được hơn 90 triệu đồng, đã đưa cho chị H., mẹ bé sơ sinh bị bỏ rơi.
Phân tích vụ việc trên Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, người mẹ cháu bé trong vụ việc trên vừa đáng thương, vừa đáng trách.
Thông tin vụ việc cho thấy, hành vi đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, còn việc nhận tiền 90 triệu đồng, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ nhiều yếu tố để quyết định có xử lý hình sự về hành vi này hay không.
Với kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, có dấu hiệu hành vi đưa tin sai sự thật để trục lợi từ thiện. Kết quả xác minh cho thấy, đây là vở kịch cho chị M và chị H dựng lên để đánh vào lòng thương hại của mọi người nhằm trục lợi từ thiện. Hành vi đưa tin sai sự thật là vi phạm pháp luật và nhận tiền cũng là sai trái. Bởi vậy, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật, người nào bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 BLHS. Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc chuyển tiền được thực hiện như thế nào với tổng số tiền 90 triệu đồng trên, làm rõ ý chí của người chuyển tiền như thế nào?
Trong trường hợp người chuyển tiền từ 2 triệu đồng trở lên tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đòi tiền, cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu tội phạm. Trường hợp những người chuyển tiền biết hoàn cảnh thật sự của mẹ cháu bé (chị H) và cảm thông, chia sẻ, không đòi lại tiền. Ý chí của những người cho tiền thể hiện nếu biết hoàn cảnh thực như vậy thì vẫn cho tiền, vẫn giúp đỡ thì hành vi của M và H không nguy hiểm cho xã hội, không bị xử lý lừa đảo.
Trong vụ việc này ý chí nhận thức, quan điểm của những người chuyển tiền cho M là rất quan trọng, đôi khi quyết định đến việc có xử lý hình sự người nhận tiền hay không.
Về bản chất pháp lý là câu chuyện trục lợi từ thiện, là gian dối để được tặng cho tài sản. Giao dịch tặng cho này có thể là vô hiệu do lừa dối trừ trường hợp người tặng cho vẫn đồng ý tặng cho tiền sau khi biết sự thật.
Trong vụ việc này có một phần sự thật là có cháu bé sơ sinh, có chuyện bị bỏ rơi nhưng là gia đình bỏ rơi 2 mẹ con chứ không phải cha mẹ bỏ rơi, số tiền nhận được vẫn được sử dụng đúng mục đích là nuôi dưỡng cháu bé... nhưng thông tin là mẹ bỏ rơi là sai sự thật. Thông tin này đánh vào lòng thương hại của người khác để trục lợi từ thiện, đây là việc làm sai trái và vi phạm pháp luật.
Nếu cháu bé (bị bỏ rơi) là không có thật hoặc M chiếm đoạt số tiền này hoặc người đã chuyển tiền cho M đòi lại số tiền này (nhưng M và H không trả) và tố cáo, sự việc sẽ là nghiêm trọng, nạn nhân bị lừa gạt và bị chiếm đoạt tài sản cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu tội phạm và có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vụ việc này là phức tạp vì liên quan đến nhiều người và dư luận xã hội quan tâm nên cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc xác minh tin báo để đánh giá bản chất của sự việc, làm rõ hành vi đưa tin sai sự thật và tác động tiêu cực của nó tới dư luận xã hội như thế nào.
Ngoài ra sẽ làm rõ việc chuyển tiền từ thiện có còn tự nguyện nữa hay không? Có kiện cáo của người đã chuyển tiền cho M hay không ? Số tiền đó được sử dụng như thế nào ( có yếu tố chiếm đoạt hay không)? để xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp cơ quan điều tra không khởi tố hình sự thì M và H cũng vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng về hành vi đưa thông tin sai sự thật lên không gian mạng theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
“Vụ việc này cần phải được làm rõ và xử lý kịp thời để răn đe, giáo dục, ngăn chặn hành vi trục lợi từ thiện xảy ra, tránh niềm tin vào lòng tốt và sự tử tế của con người bị lạm dụng. Những hàng vi trục lợi từ thiện làm suy giảm đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của con người vào cuộc sống và trục lợi từ thiện có thể trở thành hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây nhức nhối trong xã hội”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Triệt phá đường dây buôn bán trẻ sơ sinh xuyên quốc gia