Vấn đề pháp lý vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hoá chất

Google News

Hiện vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hoá chất ở Đắk Lắk đang gây xôn xao dư luận. Những đối tượng này sẽ bị xử lý thế nào?

Ngày 26/12, Lâm Văn Đạo, 34 tuổi; Vũ Duy Tư, 33 tuổi; Nguyễn Văn Quynh, 51 tuổi và Nguyễn Văn Hảo, 36 tuổi, bị Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đăk Lăk bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo Điều 317 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, quá trình theo dõi trên mạng xã hội, PC03 phát hiện Hội giá đỗ Miền Nam và Hội làm giá đỗ có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng loạt ập vào kiểm tra 6 cơ sở sản xuất trên địa bàn, cảnh sát phát hiện ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng, 4 bị can còn sử dụng thêm chất lỏng không màu là hoạt chất 6 - Benzylaminopurine.
Van de phap ly vu gan 3.000 tan gia do ngam hoa chat
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố các bị can. 
Theo cảnh sát, chất cấm này nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn thường xuyên dùng hoạt chất 6 - Benzylaminopurine để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, giúp rễ ngắn, thân to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 20.357 kg giá đỗ đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine, bán ra thị trường được khoảng 400 triệu đồng; 37 can đựng 135 lít chất cấm (tương đương sản xuất 675 tấn giá thành phẩm, bán được khoảng 18,7 tỷ đồng). Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày khoảng từ 8-10 tấn. Trong đó có một cơ sở sản xuất đã ký hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh 350-400 kg giá đỗ một ngày, trên bao bì nhãn mác ghi "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" để lừa dối người tiêu dùng.
Van de phap ly vu gan 3.000 tan gia do ngam hoa chat-Hinh-2
Nơi giá đỗ sản xuất bằng hóa chất bị phát hiện. 
Dới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với lượng hóa chất đặc biệt lớn, nguy hại cho sức khỏe con người thì việc xử lý hình sự đối với các đối tượng này là có căn cứ và cần thiết. Hành vi của 4 đối tượng này là rất nhẫn tâm, coi thường pháp luật, chỉ vì lợi nhuận mà sẵn sàng gieo rắc bệnh tật, thậm chí có thể tước đoạt tính mạng của người khác. Bởi vậy việc cơ quan điều tra xử lý hình sự là cần thiết để cải tạo giáo dục những người thiếu lương tâm trong kinh doanh, răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Van de phap ly vu gan 3.000 tan gia do ngam hoa chat-Hinh-3
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)  
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện hành vi: Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm … Thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
"Hành vi sử dụng thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 12 năm đến hai năm tù.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác định giá trị của hóa chất độc hại, xác định nguồn gốc của loại hai chất này, đánh giá tính chất nguy hiểm của loại hóa chất này đối với sức khỏe con người làm cơ sở để buộc tội đối với các bị can. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ quá trình tiêu thụ các thực phẩm này được thực hiện như thế nào, ngoài các bị can đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn có các đối tượng khác giúp sức cho hành vi phạm tội hay không. Sẽ làm rõ thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội và số tiền thu lợi bất chính", luật sư Cường phân tích.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các tài sản do phạm tội mà có, số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu để xung vào công quỹ, các đối tượng biết rõ đây là hóa chất độc hại, chất cấm, không được phép sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm (giá trị hóa chất từ 10.000.000 đồng trở lên) nhưng vẫn cố ý sử dụng thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Cơ quan chức năng sẽ xác định những người đã mua, sử dụng hóa chất này có ai bị ngộ độc, phải nhập viện, bị thương tích hay thiệt mạng hay không để xác định họ là người bị hại, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật trong đó có quyền yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng này đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Vụ án này sẽ là bài học cho nhiều người khi coi nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bất chấp pháp luật, xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng, gây mất an toàn về lương thực, thực phẩm. Những vụ án như thế này có thể xét xử lưu động để tuyên truyền pháp luật, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Với những cơ sở kinh doanh thiếu đạo đức, coi thường pháp luật, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng thì cần phải phát hiện sớm, kịp thời, xử lý nghiêm minh.
>>> Xem thêm video: TP HCM: 1,3 tấn ốc ngâm hóa chất công nghiệp trước khi bán

Nguồn: Pháp luật TP HCM.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)