Ông Trần Đức Hà, người bị tố cáo có hành vi hành hung cháu N.A (12 tuổi) chấn thương sọ não tại khu đô thị Ciputra, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, bản thân ông thấy hành vi của mình là không đúng, nên đã xin lỗi cháu bé và gia đình cháu.
Có lẽ, mấy hôm nay, do áp lực dư luận, nên ông Trần Đức Hà mới xuống nước xin lỗi, còn trước đó thì không. Bởi vì, ngay cả khi đánh một đứa bé chấn thương sọ não, ông Hà vẫn cho rằng mình đúng, ban đầu ông có cãi với người thân cháu bé N. A và cho rằng bản thân ông không sai và còn thách thức bố của cháu bé: "Anh làm gì cứ làm, anh đi đến đâu tôi đi theo anh đến đấy”.
Một người đàn ông lại đánh một đứa bé đến mức chấn thương sọ não, mà còn khăng khăng cho mình đúng thì hết thuốc để chữa. Qua ba ngày, vẫn không thèm xin lỗi gia đình nạn nhân, đến khi dư luận lên tiếng quá dữ dội mới nhắn tin, liệu lời xin lỗi có thành tâm thành ý hay không.
Đứa bé bị chấn thương sọ não ảnh hưởng đến thể chất, sọ não bị tổn thương là một thiệt hại, nhưng thiệt hại hơn nữa là đứa bé bị chấn thương tâm lý. Chưa kể, ông Hà còn vu cho cháu là ăn trộm bị lập biên bản, nhưng chuyện đó hoàn toàn không có.
Bệnh viện kết luận cháu N.A bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực. Đây là cơ sở để điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Đức Hà.
Đấm một đứa bé bị chấn thương sọ não thì không thể xin lỗi là xong. Xin lỗi là chuyện đạo lý, đánh người là chuyện pháp lý.
Cho nên, cứ theo luật mà làm, Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội cố ý gây thương tích, thì trường hợp cháu bé có tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%, ông Trần Đức Hà sẽ phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé từ 11% đến dưới 30% thì ông Hà phạm tội thuộc điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự và sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm.
Bảo vệ trẻ em không phải là những câu nói lý thuyết mà thực thi nghiêm minh các quy định pháp luật liên quan. Trừng trị những trường hợp xâm hại đến sức khỏe, tính mang, danh dự, nhân phẩm của trẻ em mới thực sự bảo vệ trẻ em.