Trước khi bị bắt, đại gia Trương Thị Soan khá nổi tiếng với nhiều giao dịch bất động sản "tai tiếng" và từng bị nhắc trong hồ sơ Panama.
Đại gia khoáng sản sa lưới
Ngày 30/8, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an cho biết đang tiến hành điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Đường Lâm (tỉnh Bình Thuận) và các công ty khác có liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 19/QĐ-VPCQCSĐT ngày 1/3/2021.
Căn cứ tài liệu và kết quả điều tra, C01 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với bà Trương Thị Kim Soan (47 tuổi, ngụ tại P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; nghề nghiệp: môi giới đầu tư khai thác khoáng sản), cựu giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Thiên Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông John Koon (quốc tịch Úc ) và các công ty do ông John Koon làm đại diện được ủy quyền, với tổng số tiền gần 11,3 triệu USD (tương đương hơn 234 tỷ đồng).
|
Đối tượng Trương Thị Kim Soan. |
Trước khi bị khởi tố, bắt giam trong vụ án này, bà Trương Thị Kim Soan được biết đến là nữ doanh nhân khá nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản, mà cả về bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Doanh nghiệp do bà Soan điều hành từng thâu tóm khu “đất vàng” số 129 Pasteur (Q.3, TP.HCM). Đây là một trong những thương vụ có liên quan trách nhiệm Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) và một số quan chức thuộc UBND TP.HCM và Bộ Công an, đã được cơ quan tố tụng truy tố, xét xử.
Bị nhắc tên trong hồ sơ Panama
Năm 2016, nữ đại gia Trương Thị Kim Soan còn được nhắc đến nhiều khi là 1 trong 189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có tên trong "hồ sơ Panama" gây chấn động toàn thế giới.
Theo đó, ngày 3/4/2016, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiết lộ khoảng 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca trong vòng 40 năm từ 1977 đến 12/2015, hé lộ mạng lưới công ty hải ngoại (công ty offshore, còn được biết đến là công ty vỏ bọc, công ty ma) khổng lồ trên thế giới.
Các công ty vỏ này được cho là những người giàu có và quyền lực sử dụng để che giấu tài sản, thậm chí là trốn thuế, lừa đảo tài chính, buôn bán vũ khí, buôn lậu ma túy.
Đây được coi là một trong những vụ tiết lộ thông tin lớn nhất trong lịch sử dư luận thế giới, có tên gọi "hồ sơ Panama".
Hồ sơ này tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).
|
Một số "tên tuổi" đáng chú ý trong hồ sơ Panama. Ảnh ICIJ.
|
Tài liệu này cũng công khai danh tính 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, và liên quan đến các công ty vỏ bọc. Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có bà Trương Thị Kim Soan và nhiều nhân vật đình đám ở Việt Nam...
Ngay sau khi hồ sơ Panama được công bố, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam qua báo chí đã lên tiếng khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là hợp pháp.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xác định các cá nhân hay tổ chức này là vô tội hay vi phạm cần phải phối hợp làm rõ, dù quy định về chuyển tiền và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam khá chặt.
Thời điểm đó, Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác liên quan đến hồ sơ Panama, trong khi các cơ quan chức năng khác cũng cho biết đã vào cuộc để tìm hiểu. Cơ quan này sẽ đối chiếu dữ liệu để kiểm tra nghĩa vụ thuế của những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama do ICIJ cung cấp.