Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng thuế từ quảng cáo trực tuyến
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) quan tâm tới việc quản lý nền tảng xuyên biên giới. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok. Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) năm 2023, các nền tảng này chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%.
|
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). Ảnh: QH.
|
Các nền tảng này thường không đăng ký hoạt động đầy đủ tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến việc không thể quản lý thuế hiệu quả. Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu ngân sách quốc gia.
Đại biểu đề xuất bổ sung quy định áp dụng các biện pháp mạnh để quản lý nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam và nộp thuế theo quy định. Áp dụng cơ chế phối hợp quốc tế trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
“Cùng với đó, đưa ra chính sách ưu đãi về thuế hoặc hỗ trợ tài chính để giúp các cơ quan báo chí tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo. Phát triển các chương trình truyền thông quốc gia để quảng bá dịch vụ quảng cáo nội địa, tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong nước”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu ý kiến.
Đối với quảng cáo trên mạng, đại biểu Thạch Phước Bình cho hay, nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp. Cục An toàn Thông tin ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 2023. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến.
Đại biểu đề xuất cần có quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị. Thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo.
Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được, tương đương với các tiêu chuẩn tại EU hoặc Mỹ. Đồng thời, công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe.
Đối với quảng cáo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình dẫn số liệu, tại TP HCM năm 2023, hàng trăm vụ khiếu nại liên quan đến việc mua hàng qua quảng cáo trực tuyến nhưng sản phẩm không đúng như mô tả đã được ghi nhận. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo không có sự đồng ý của người tiêu dùng đang là vấn đề nghiêm trọng, vi phạm quyền riêng tư.
“Quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cần ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép. Cùng với đó, bổ sung quy định về đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về quyền riêng tư và cách bảo vệ thông tin cá nhân”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.
Thiết kế tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được phân cấp nên giao cho Chính phủ quy định. Còn đối với quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung chưa phù hợp với đối tượng như trẻ em thì Ban soạn thảo dự án Luật nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo...
|
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). Ảnh: QH. |
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phảm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.