Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: “Có cán bộ tâm sự thà đứng trước hội đồng kỷ luật hơn là HĐXX”

Google News

"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" - đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu khi nói về thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.

Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" - đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu.
Dai bieu Nguyen Huu Thong: “Co can bo tam su tha dung truoc hoi dong ky luat hon la HDXX”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Thông, có hai nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề trên: "Một là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các vấn đề, đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai”.
Đại biểu Thông dẫn chứng, một trong những vấn đề dễ sai nhất, đó là xác định giá đất.
Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác. Tại phiên chất vấn của UBTV Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đấu giá đất, tham gia làm rõ những ý kiến của đại biểu quan tâm, Bộ trưởng có phát biểu, phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư số 36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên-Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.
Tuy nhiên, đến nay, các quy định trên vẫn chưa sửa đổi và thực tế ở các địa phương có nhiều dự án lớn và rất lớn vẫn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư, nếu không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành.
Nguyên nhân thứ hai theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đã được Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 14 ngày 22/9/2021, nhưng chủ trương đúng đắn đó chưa được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật, nên vẫn còn tình trạng cán bộ ngại trong quá trình công tác nên “làm cầm chừng, không dám đột phá."
Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội và Chính phủ, các bộ ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn tỉnh Quảng Nam) đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ, triển khai nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân.
Tuy nhiên, ông Tạ Văn Hạ cho rằng, nếu chỉ nói lỗi là do vướng mắc của chính sách pháp luật thì chưa đủ, mà qua nghiên cứu, thấy cái chính là do con người, do khâu công tác tổ chức thực hiện, chính là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
“Qua tiếp cử tri, chúng tôi thấy có 3 thành phần, với cán bộ có năng lực hạn chế có tình trạng sợ không dám làm, thứ hai là cán bộ có năng lực nhưng rõ ràng ý thức và tinh thần còn hạn chế, có chuyện nghe ngóng, né tránh. Còn đối tượng thứ ba, khi tôi đặt câu hỏi tại sao luật Đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu triển khai từ năm 2013, suốt quá trình đó không vướng mắc như bây giờ, vậy làm bằng cách nào? Một số người trả lời thẳng thắn, bây giờ không muốn làm và không dám làm, vì trước làm không đúng, làm ẩu, thiếu trách nhiệm, nếu bây giờ làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm, cho nên chúng tôi làm cầm chừng, hạn chế và không dám làm" - đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh.
“Thủ tướng đang rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó bên dưới với tư tưởng này thì cần phải chấn chỉnh lại, càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định trao đổi về vụ việc Việt Á:
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)