Vừa qua, Quốc hội với đa số ý kiến tán thành đã chính thức thông qua quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hành động kiên quyết của Quốc hội nhận được sự đồng tình của cử tri trong đó có tôi, bởi đây là quyết định đúng đắn và cần thiết khi thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng rượu bia gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Do tính chất công việc, ngày ngày tôi thường xuyên phải tiếp cận và sử dụng rượu bia. Dần dần rượu bia là thứ đồ uống đã trở thành thói quen của tôi mà nếu gọi đúng là “nghiện vậy”. Tôi là một gã 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng và chắc chắn 365 ngày/năm phải có một chút rượu bia vào người, nếu không có rượu bia là máu tôi sôi sùng sục. Dù kiểu gì cũng phải uống nhưng tôi chỉ uống một chút, khi thì vài chén rượu nhỏ hoặc vài ly bia chứ thú thực, tửu lượng của tôi chỉ khoảng vài ba chén đã say nát bét, không đủ tỉnh táo để nhận thức, nhất là khi lái xe.
|
Nhìn những hình ảnh này, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện "Đã uống rượu bia không lái xe". |
Tôi may mắn hơn hàng trăm người khi họ đi uống rượu, bia là vĩnh viễn không thể về nhà với người thân. Tôi cũng may mắn hơn nhiều người khác là chưa gây ra tai nạn và cũng chưa phải nạn nhân của những vụ tài xế say xỉn điều khiển phương tiện gây ra. Tuy nhiên, nếu còn uống rượu bia, tôi không dám chắc những điều tồi tệ trên không xảy ra với bản thân mình.
Hầu hết các “đệ tử lưu linh” khi ngồi vào bàn nhậu đều tự nhủ rằng, sẽ không uống say để điều khiển phương tiện về nhà. Tuy nhiên, cuộc rượu khó tránh khỏi những lời mời mọc và họ có trăm phương nghìn cách để ép nhau uống rượu với nhiều lý do như đồng hương, đồng niên, lâu ngày mới gặp, sắp tới có dịp làm ăn với nhau… thậm chí cùng tên đệm cũng phải cạch nhau vài chén. Tất nhiên, mỗi lần cả nể thường không giữ được lập trường và khi say chính tôi cũng không nhận ra mình say. Không ít lần tôi tự điều khiển phương tiện về nhà trong trạng không đủ tỉnh táo để kiểm soát vì ma men.
Nhìn hình ảnh con trai nữ công nhân môi trường đau xót gục ngã, gào khóc trước thi thể mẹ giữa hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến tôi bị ám ảnh. Càng giật mình hơn nữa khi kẻ lái xe ô tô 7 chỗ gây ra cái chết cho nữ công nhân môi trường là người có nồng độ cồn cao gấp 3 lần mức phạt cao nhất.
Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn thương tâm tại Bình Định khi một chiếc xe 7 chỗ lao thẳng vào đoàn dịch vụ tang lễ khiến 4 người chết và 6 người bị thương mà tài xế trước đó đã sử dụng rượu bia cũng khiến tôi căm phẫn những kẻ uống rượu lái xe gây tai nạn.
Từ sự căm phẫn, bức xúc trước những vụ tai nạn thảm khốc do lái xe gây ra tôi thấy sợ trước những tài xế say rượu vẫn cầm lái chạy băng băng trên đường như chốn không người.
Tôi tự hứa, tôi sẽ thực hiện “đã uống rượu bia, không lái xe” vì cái thằng tôi cũng có gia đình, bố mẹ, con cái... Tôi không thể để bố mẹ mất con, con cái mất cha, vợ chồng mất nhau vì thứ bia rượu đó. Và tất nhiên, tôi cũng không thể lái xe trong tình trạng say rượu để gây nên tai nạn khiến người khác trong cảnh sinh ly tử biệt do hành vi vô ý thức của mình gây ra.
Bởi vậy, tôi tự hứa “đã uống rượu bia, không lái xe” và tôi kiên quyết sẽ làm bằng được. Trong cuộc sống không tránh khỏi việc phải uống rượu bia, tuy nhiên, khi uống rượu bia thay vì tự lái xe về nhà, tôi có thể gọi taxi hay những phương tiện vận tải công cộng. Đồng thời nên hạn chế bia rượu nếu thấy điều đó là không cần thiết.
Tôi tán thành Quốc hội thông qua quy định “đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tôi cũng tán thành việc phạt nặng những lái xe uống rượu bia điều khiển phương tiện để nâng cao ý thức của người dân, tránh những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Mức phạt dù nặng nhưng vẫn nhẹ hơn nhiều hậu quả của tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.
Với hành vi lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông, tại Nhật Bản, họ áp dụng khung hình phạt nặng như khi cảnh sát kiểm tra phát hiện tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,15mg/1 lít khí thở khi đang điều khiển ô tô thì có thể bị phạt đến 3 năm tù giam hoặc phải nộp số tiền phạt lên tới 500.000 yên Nhật (khoảng hơn 102 triệu đồng). Tại Hàn Quốc, chính phủ sẽ phạt 3 năm tù giam nếu nồng độ cồn của tài xế vượt mức 0,05 mg/lít khí thở. Cùng với án phạt tù, tài xế say rượu còn nộp phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng).
Tuy nhiên, mức phạt có cao đến đâu cũng không bằng sự tự nhận thức hành vi của mỗi cá nhân. Những hậu quả của các vụ tai nạn do uống rượu bia luôn thảm khốc và là bài học để mỗi cá nhân như tôi và các bạn nâng cao nhận thức để quyết tâm thực hiện tốt quy định “Đã uống rượu bia, không lái xe” để an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.