Ngày 22/8, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa ra xét xử 28 bị cáo liên quan đến vụ án chuyển nhượng "đất vàng" sai phạm tại Bình Dương. Phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đồng tình với việc truy tố thân chủ mình về tội “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đồng ý với bản luận tội của Viện KSND TP.Hà Nội về việc xác định thiệt hại của vụ án đã được khắc phục hoàn toàn, tài sản đã trả lại chủ sở hữu và không đề nghị các bị cáo phải khắc phục, trong đó có bị cáo Liêm.
|
Bị cáo Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. |
Tuy nhiên, luật sư cho rằng đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị thân chủ của mình mức án từ 9 - 10 năm tù là quá nghiêm khắc, chưa đánh giá chính xác vai trò, hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Liêm. Sau khi dành hơn 40 phút để nêu những luận cứ liên quan đến vụ án để HĐXX xem xét giảm nhẹ cho thân chủ mình, luật sư đã nêu ra hàng loạt thành tích của bị cáo Liêm đã đạt được, cũng như sự đóng góp của gia đình, ông bà, bố mẹ,… để HĐXX làm căn cứ giảm nhẹ mức hình phạt.
Theo luật sư, từ năm 1986 đến 2020, khi Bình Dương còn là tỉnh Sông Bé, bị cáo Liêm đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng tổng cộng 45 bằng khen, huân, huy chương, danh hiệu của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành và địa phương. luật sư cho rằng việc này đã phản ánh sự nỗ lực trong công tác và các đóng góp quan trọng của bị cáo Liêm trong việc xây dựng tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, luật sư cho hay bị cáo Liêm phạm tội khi tuổi đã cao, đang phải điều trị nhiều bệnh nền nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp,… và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho thân chủ của mình.
Được tự bào chữa, bị cáo Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương cho rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo biết về hợp tác góp vốn của Tổng Công ty Bình Dương với Công ty Tân Phú, cũng như hợp đồng liên danh với Công ty Tân Thành. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng 43 ha đất cũng như đăng ký biến động 145 ha đất sang công ty Tân Thành thì bị cáo không biết. Song cáo trạng đã cáo buộc bị cáo biết việc này. "Bị cáo hoàn toàn không biết việc chuyển nhượng 2 lô đất"- bị cáo Liêm trình bày.
"Ngay khi thành lập Ban chỉ đạo Cổ phần hóa, ý thức bị cáo muốn giao cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty Bình Dương) trực tiếp tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa công ty của chính mình để đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ theo quy định. Sau đó, bị cáo không theo dõi, không thường xuyên kiểm tra tiến trình cổ phần hóa nên xảy ra sai sót". - Bị cáo Liêm giải thích tại tòa.
Cựu Chủ tịch Bình Dương - Trần Thanh Liêm trình bày thêm, do tin tưởng vào cơ quan tham mưu trong quá trình đánh giá. Vụ việc này, Tổng Công ty Bình Dương cũng đã thực hiện thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước có thẩm tra và chấp nhận. Tại phần đề nghị mức án, bị cáo Liêm bị VKSND TP Hà Nội đề nghị 9-10 năm tù về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị cáo Liêm trình bày: "Kính mong quý tòa, Viện kiểm sát xem xét về động cơ của bị cáo, không có mục đích vụ lợi, hay tư lợi cá nhân. Mong quý tòa xem xét, khoan hồng theo pháp luật cho bị cáo được mức án nhẹ nhất, để còn cơ hội về với gia đình, về với xã hội".
Trong vụ án, cơ quan tố tụng cáo buộc năm 2017, với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, bị cáo Trần Thanh Liêm đã đồng ý để Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, thực chất là chuyển nhượng khu đất 43 ha đất trái quy định. Việc này gây thất thoát hơn 984 tỷ đồng tài sản nhà nước.
Cũng trong năm 2017, bị cáo Liêm ký quyết định đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương đưa 145 ha đất từ danh mục tài sản đang dùng thành tài sản chờ thanh lý. Khu đất do đó không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa gây thất thoát hơn 4.030 tỷ đồng. Do vậy, bị cáo Trần Thanh Liêm phải liên đới cùng các bị cáo trong vụ án gây thất thoát tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.
>>> Xem thêm video: Hà Nội: Xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam