Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT.
Bên lề cuộc họp, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về dịch vụ này.
Cần số điện thoại người vi phạm để gửi thông báo
- Hình thức nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng rất được người dân kỳ vọng, song vừa qua khi thí điểm ở 5 địa phương cho thấy tỷ lệ người dân áp dụng rất thấp. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?
- Hiện nay có vướng mắc là Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản hướng dẫn không quy định có phần cung cấp số điện thoại trong quyết định xử phạt, trong khi số điện thoại là cái rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân. Do vậy chúng tôi phải vận động để người dân tự nguyện.
Trường hợp nào có số điện thoại, CSGT sẽ gửi quyết định xử phạt trực tiếp đến người vi phạm, hoặc có thể gửi thông tin dưới dạng bản PDF qua hòm thư điện tử của họ.
|
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an. Ảnh: X.T. |
Chúng tôi đang phối hợp cùng Kho bạc Nhà nước để định danh, số hoá số việc nộp phạt. Nhưng quan trọng hơn là phải đổi mới quy trình xử phạt vi phạm hành chính hiện nay.
Một khó khăn khác là người dân phải có tài khoản, phải có trình độ hiểu biết nhất định về CNTT mới chủ động nộp phạt được.
- Việc thí điểm dịch vụ này được thực hiện từ tháng 3. Ông có thể nêu những con số cụ thể cho thấy những vướng mắc khiến người dân chưa mặn mà ứng dụng tiện ích này?
- Kể từ 1/7, tất cả các quyết định xử phạt của chỉ huy cấp Đội trở lên thuộc phòng CSGT của công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục CSGT được nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đã có trên 13.000 trường hợp được nhập vào hệ thống. Tuy nhiên, tỷ lệ người nộp tiền qua Cổng Dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, chúng tôi mới chỉ nhận được 97 trường hợp.
Trường hợp người dân truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để xem có quyết định xử phạt chưa, nếu có số điện thoại, chỉ cần ấn quyết định đó, lập tức điện thoại của người vi phạm nhận được thông tin từ CSGT ngay.
- Khi dịch vụ này được áp dụng, khối lượng công việc của CSGT toàn quốc sẽ thay đổi thế nào?
- Ứng dụng công nghệ là một xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ và minh bạch quá trình thực hiện. Nếu số hoá được việc này sẽ giúp giảm tải rất nhiều khối lượng công việc của cán bộ, chiến sĩ.
Theo cách truyền thống, CSGT phải lập biên bản giấy rồi gõ quyết định xử phạt. Bây giờ, khi đã có dữ liệu, chỉ cần nhập vào nội dung biên bản thì sẽ kết nối rất nhanh chóng.
Nhưng bây giờ hy vọng khi người dân có nhu cầu sẽ nhận bản điện tử, hoặc thậm chí là chỉ cần tin nhắn về số quyết định xử phạt. Như vậy sẽ cải cách rất nhiều.
Mỗi năm, CSGT xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm, nếu chỉ cần cải cách không phải in 1 quyết định xử phạt thì đã tiết kiệm cho Nhà nước 5 triệu tờ giấy và thao tác theo dõi công việc này.
Không có tiêu cực
- Một trong những kỳ vọng lớn hơn vào dịch vụ này là sẽ giảm được tham nhũng, tiêu cực khi người vi phạm tiếp xúc trực tiếp với cán bộ CSGT, thưa ông?
- Khi một trường hợp vi phạm đã được lập biên bản và ra quyết định xử phạt thì đã là giấy trắng, mực đen. Hiện nay, Bộ Công an chỉ đạo và chúng tôi thực hiện nghiêm là tăng cường hệ thống giám sát.
Việc ra quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ là một bước nhưng khi đã giấy trắng mực đen thì hãy yên tâm là không có chuyện tiêu cực.
|
Theo lãnh đạo Cục CSGT, khi xử phạt qua môi trường mạng, sẽ không còn tình trạng tiêu cực khi người vi phạm tiếp xúc trực tiếp với CSGT. Ảnh: Tâm Hoàng. |
Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ với những dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và xử phạt điện tử thì chắc chắn sẽ minh bạch hóa, khách quan toàn bộ quá trình hoạt động.
Nhưng cái khó hiện nay là phải thực hiện kết nối đồng bộ giữa các ngành.
Vi phạm giao thông mỗi năm gần 5 triệu trường hợp, nếu đưa hệ thống vào phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm thì số lượng giải quyết được sẽ tăng lên rất nhiều, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân cũng sẽ tốt hơn.
- Mục đích và hướng đi khi thực hiện việc này đều rất tốt, song Cục CSGT đánh giá tính khả thi của dịch vụ này thế nào để tránh tình trạng dịch vụ được cung cấp nhưng ít được người dân sử dụng?
- Hiện nay các trường hợp phạt qua hệ thống giám sát và gửi đến địa chỉ của người vi phạm chưa nhiều, và có thể nói là chưa nghiêm.
Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp xem lại các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có đề nghị khi đã có quy định xử phạt, vi phạm đã rõ, được ghi bằng hệ thống công nghệ là chứng cứ trực tiếp để xác minh vi phạm, tránh quy trình nhiều bước như hiện nay là phải mời được người vi phạm đến và thiết lập một biên bản vi phạm mới ra quyết định xử phạt được.
Chúng tôi đề nghị ứng dụng công nghệ, cải cách thể chế để vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm minh, người vi phạm phải có trách nhiệm đến cùng với hành vi của mình.
Nhưng vấn đề là làm sao để người dân biết được vi phạm của mình để nộp phạt. Chúng tôi rất muốn được tiếp nhận 1 số điện thoại hoặc thư điện tử của người đăng ký xe hoặc người vi phạm để khi có vi phạm, chúng tôi gửi thông tin ngay. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính trong mẫu biên bản lại không có, chỉ có họ tên, địa chỉ, danh tính.
Vì thế, CSGT phải vận động người dân cung cấp số điện thoại để gửi ngay thông tin. Trong thời đại công nghệ số thì cái này cần phải trở thành quy định rõ ràng hơn để phục vụ người dân.