Liên tục thời gian qua, nhiều vụ người dân tự xử được báo chí phản ánh theo mô típ quen thuộc: Nghi ngờ đối tượng bắt cóc trẻ con, thôi miên lừa lấy tài sản, hàng trăm người dân bắt giữ, tra khảo, hành hung, đốt xe, thậm chí vây trụ sở công an đòi xử đối tượng...
Chỉ riêng ở Nghệ An từ tháng 4 đến nay, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh ít nhất ba trường hợp (xảy ra ở huyện Diễn Châu, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò). Không chỉ ở Nghệ An, nạn tự xử cũng lan ra các nơi khác mà điển hình là vụ bao vây, đốt xe Fortuner vì nghi thôi miên xảy ra ngày 20-7 ở xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương). Và mới nhất, trưa 22-7, hai phụ nữ bán tăm đã bị người dân ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khống chế và đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ em…
Điều đáng nói là trong tất cả vụ trên, qua xác minh, cơ quan công an đều khẳng định những người bị nghi bắt cóc, thôi miên đều vô tội, bị đòn oan. Họ có thể là bất cứ ai, chị bán tăm, anh buôn gỗ, bà bán thuốc Đông y hay thậm chí là người không bình thường về tâm thần. Thế nhưng chỉ vì những nghi ngờ vô căn cứ, họ đã phải chịu những trận đánh hội đồng ám ảnh suốt đời bởi sự bất lực trước đám đông hung hãn, gào thét nhân danh chống cái ác mà ra tay với họ, bất kể họ giải thích hay van xin…
Những sự việc đó nói lên điều gì? Có thể là nhiều người dân đang quá mẫn cảm với cụm từ “bắt cóc trẻ em”, mà điều này còn được nhân bội lên bởi thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội? Cũng có thể do thiếu niềm tin nhất định vào sự phản ứng kịp thời của cơ quan công quyền trước các sự vụ tương tự? Hoặc cũng có thể đám đông ấy nghĩ rằng họ đang thực hiện trách nhiệm “bảo vệ an ninh Tổ quốc”, họ đang chống lại cái ác, bảo vệ lẽ phải nên họ có quyền?
Có thể còn nhiều lý do khác để biện minh cho những hành vi tự xử tập thể nêu trên. Nhưng trong nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, không ai có thể nhân danh chống lại cái xấu mà tùy tiện hành động bất chấp pháp luật.
Nhiều người đã chỉ rõ những hành vi tự xử ấy là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự vì các hành vi như bắt, giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản, cố ý gây thương tích, vu khống… Tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí, cho đến nay rất ít trường hợp được cơ quan pháp luật xử lý đến nơi đến chốn.
Nếu như “đám đông” vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho những hành vi vô pháp và những hành vi tự xử trái pháp luật mười mươi không được xử lý nghiêm minh, kịp thời thì có lẽ sẽ vẫn còn những vụ “cứ nghi là đánh” như thời gian vừa qua. Mà điều đó thì không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh!