5 ngày kể từ khi Nghị định 100 của Chính phủ quy đinh đã uống rượu bia mà vẫn lái xe sẽ bị phạt 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 năm đang nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, kéo giảm tai nạn giao thông do rượu bia.
Theo thống kê mới đây của Cục CSGT, chỉ trong 2 ngày đầu nghị định trên có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng. Đáng chú ý có trường hợp bị phạt đến 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Mức phạt cao cộng với thực thi nghiêm các quy định trên đã bước đầu phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực, có tính răn đe cao, tăng trách nhiệm của người dân với cộng đồng xã hội, tiến tới chấm dứt những vụ tai nạn giao thông xảy ra do rượu bia.
|
Ảnh minh họa. |
Thực tế, trước khi nghị định 100 được ban hành, tai nạn giao thông do rượu bia là nỗi ám ảnh lớn đối với xã hội khi từ thành thị đến nông thôn không khó để bắt gặp những gương mặt đỏ bừng bừng, say xỉn lái xe trên đường. Nhất là ở đất nước tiêu thụ bia rượu lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á nhưng ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao khi say rượu vẫn thản nhiên điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.
Mới đây thôi, con số thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm 7.624 người chết, 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ, trong đó có tới khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông là có liên quan đến rượu bia. Nhiều vụ tai nạn giao thông có lẽ mãi là sự ám ảnh đối với người dân như vụ lái xe container sử dụng rượu, bia đâm vào hàng loạt người dân đang chờ đèn đỏ tại Long An; vụ lái xe sử dụng rượu, bia đâm vào xe máy làm hai người chết tại hầm Kim Liên (Hà Nội)…
Điều đó cho thấy, các quy định xử phạt cao người điều khiển phương tiện từ xe đạp đến ô tô vi phạm nồng độ cồn là vô cùng cần thiết và chỉ 5 ngày đầu được áp dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt nhất là việc thay đổi thói quen sử dụng rượu bia rồi lái xe của người dân.
Trên thực tế, pháp luật không cấm việc sử dụng rượu bia mà chỉ cấm người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi sử dụng rượu bia. Do vậy, người dân vì lo lắng bị xử phạt nồng độ cồn đã không điều khiển phương tiện khi uống rượu bia. Khi sử dụng rượu bia đã nhờ sự giúp đỡ của người thân, hay sử dụng các phương tiện công cộng để ra về. Thậm chí dần dần từ bỏ thói quen sử dụng rượu bia. Tín hiệu đáng mừng hơn, 5 ngày qua không xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào do người điều khiển phương tiện say rượu bia gây ra.
Tuy nhiên, dư luận quan tâm ở thời điểm này chính là việc các lực lượng thực thi sẽ thực hiện nghiêm các công cụ pháp lý này với sự công tâm, trong sáng và cương quyết khi làm nhiệm vụ và không có hiện tượng tiêu cực để làm tới cùng trong việc thực thi các quy định trên.
Lo lắng hiện tượng làm chặt lúc đầu rồi buông lỏng, thậm chị lợi dụng quy định để tiêu cực trục lợi không phải không có cơ sở bởi lâu nay dù không phải tình trạng phổ biến nhưng hiện tượng CSGT tiêu cực, nhận mãi lộ vẫn được báo chí phanh phui tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua. Hơn nữa, người dân thường có thói quen xin xỏ, can thiệp lực lượng thi hành công vụ để nhận mức phạt thấp hơn quy định.
Những hiện tượng tiêu cực trên xảy ra trong thời gian qua khiến người dân lo lắng dù quy định tăng mức phạt nồng độ cồn đã phát huy hiệu quả nhưng nếu không được thực thi nghiêm ngặt, thường xuyên, liên tục thì sẽ phản tác dụng, khiến người dân nhờn luật.
Từ đó dư luận đặt vấn đề cần có giải pháp để kiểm soát lực lượng thực thi công vụ khi kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trao đổi với báo chí mới đây, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, đối với hiện tượng tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ (nếu có), phải có giải pháp như tăng cường giám sát của người dân và báo chí, tăng cường thanh tra công vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện quy trình nộp phạt. Và quan trọng phải có biện pháp bảo đảm lực lượng thực thi công vụ không dám vi phạm.
Bên cạnh đó, dư luận cũng cho rằng, việc kiểm tra xử lý nồng độ cồn phải đảm bảo tính đột xuất, thường xuyên liên tục “nay chặt… mai đừng buông lỏng”. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức việc có thể bị xử phạt bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện. Từ đó, tiếp tục góp phần mạnh mẽ vào việc thay đổi ý thức của người dân khi tham gia giao thông là không sử dụng rượu bia.
>>> Mời độc giả xem video CSGT "ra quân", thu phạt gần 1 tỷ đồng nồng độ cồn: