CSGT quật ngã, đạp người vi phạm: Trường hợp nào được trấn áp bằng vũ lực?

Google News

Từ việc một cán bộ CSGT ở TPHCM quật ngã, đạp chân vào mặt người vi phạm giao thông, dư luận đặt câu hỏi, trường hợp nào được sử dụng vũ lực?

Thông tin về vụ việc CSGT quật ngã, dùng chân đạp vào mặt người vi phạm tại giao lộ Ký Con - Võ Văn Kiệt (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM), Phòng CSGT đường sắt, đường bộ (CA TP.HCM) cho biết, do người điều khiển xe máy vi phạm giao thông, không chấp hành hiệu lệnh mà cố tình tăng ga bỏ chạy tông vào cán bộ CSGT này.
Sau vụ việc trên, dư luận đặt câu hỏi: Trường hợp nào CSGT được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm giao thông?
CSGT quat nga, dap nguoi vi pham: Truong hop nao duoc tran ap bang vu luc?
Hình ảnh vụ việc. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù nguyên nhân gì nhưng diễn biến trong đoạn clip ghi lại cho thấy cán bộ CSGT khống chế người vi phạm giao thông bằng cách quật ngã, và “bằng giầy” như vậy là hình ảnh không đẹp, thậm chí còn sử dụng vũ lực quá mức cần thiết. Do đó, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến và hậu quả để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
“Đoạn clip chỉ thể hiện một phần sự việc nhưng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi hình ảnh trong clip cho thấy, cán bộ CSGT đã có hành vi khống chế, kẹp cổ, quật ngã và đè người tham gia giao thông xuống đường rồi dùng chân đạp vào phần mặt, vai của người đàn ông này. Dù chỉ là một phần sự việc, chưa rõ nguyên nhân và diễn biến trước đó nhưng hành vi đạp giầy vào mặt, vào ngực người tham gia giao thông khi họ đã nằm xuống đường là hành vi "không đẹp", chống trả là quá mức cần thiết”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo Luật sư Cường, pháp luật quy định, mọi người khi tham gia giao thông đều phải chấp hành hiệu lệnh của của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ và lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nếu người tham gia giao thông không chấp hành, thậm chí có hành vi chống trả, tấn công lại lực lượng chức năng thì lực lượng chức năng có quyền sử dụng vũ lực để khống chế, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
CSGT quat nga, dap nguoi vi pham: Truong hop nao duoc tran ap bang vu luc?-Hinh-2
 
Người thi hành công vụ có quyền sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, thậm chí có quyền sử dụng vũ khí theo quy định của Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để khống chế, bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, xử lý người vi phạm khi có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ, đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Hành vi cản trở người thi hành công vụ, chống người thi hành công vụ là những hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ thì CSGT đang thực hiện nhiệm vụ có quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để không chế, bắt giữ người vi phạm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT cũng có quyền bắt giữ những đối tượng phạm tội quả tang, những nghi phạm trong các vụ án hình sự. Khi thực hiện việc bắt giữ có thể sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ một cách cần thiết để khống chế, bắt giữ đối tượng.
Pháp luật nghiêm cấm sử dụng vũ lực ngoài các trường hợp mà pháp luật cho phép. Hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích cho người dân, người tham gia giao thông trong những tình huống không nhất thiết, sử dụng vũ lực là hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật và phải chịu các chế tài của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video ghi lại vụ việc CSGT quật ngã người vi phạm:
  
“Hành vi của cán bộ CSGT có thể gây ra thương tích cho người tham gia giao thông. Bởi vậy, cùng với việc cần rút kinh nghiệm, nếu người vi phạm có khiếu kiện, cơ quan chức năng cần phải khách quan, thận trọng trong việc xem xét đánh giá nguyên nhân sự việc, đánh giá diễn biến hành vi, nhận thức, ý thức chủ quan của các bên và hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Trước đó, đoạn clip ghi lại hình ảnh CSGT chặn người vi phạm sau đó quật ngã xuống đường được đăng tải trên mạng xã hội (facebook) gây nhiều ý kiến trái chiều.
Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết, đoạn clip trên được xác định được ghi lại vào trưa 26/4, tại góc giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM. Người CSGT trong đoạn clip trên là Đại úy Trần Xuân Chính, công tác tại Đội CSGT Bến Thành (Phòng CSGT ĐB – ĐS - Công an TP HCM).
Phòng CSGT Công an TP HCM đã lập tổ công tác xác minh làm rõ vấn đề, yêu cầu đại úy Trần Xuân Chính và những người liên quan cùng lãnh đạo Đội CSGT Bến Thành báo cáo sự việc. Đội CSGT Bến Thành đã trích xuất camera của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và camera của người dân quanh khu vực giao lộ trên để làm rõ. Chiều 27/4, sau khi xác minh, Phòng CSGT đã thông tin toàn bộ sự việc về đoạn clip trên.
Theo đó, tại đoạn giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con nhiều ngày nay các cơ quan chức năng đã gắn thông báo của Sở GTVT, bắt đầu từ 26/4 các phương tiện thông trên đường Võ Văn Kiệt (hướng từ quận 5 về quận 1) khi đến giao lộ Võ Văn Kiệt-Ký Con không được rẽ trái, quay đầu vào đường Ký Con. Người lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt phải đi qua đoạn đường song hành với đường Võ Văn Kiệt qua đường Pasteur mới trở lại đường Ký Con. CSGT trong những ngày này đã túc trực nhắc nhở người dân.
Lúc 12h22, Đại úy Trần Xuân Chính làm nhiệm vụ tại giao lộ, nhắc nhở các phương tiện đi đúng hướng, không rẽ trái vào đường Ký Con. Có một người đàn ông điều khiển xe máy cố tình không tuân thủ mà vẫn tiếp tục rẽ trái. Sau khi nhắc nhở nhưng người đàn ông không chấp hành, đại úy Chính chạy xe đặc chủng đuổi theo, yêu cầu dừng xe. Người đàn ông này không nghe hiệu lệnh mà cố tình tăng ga bỏ chạy tông vào vào người đại úy Chính. Trước tình huống này đại úy Chính đã phải kéo và quật ngã người đàn ông xuống đường. Cùng lúc, 2 cán bộ chiến sĩ CSGT khác cũng có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.
Trong quá trình làm việc với tổ CSGT, người đàn ông trình bày là có việc gấp nên không làm chủ được bản thân, mất bình tĩnh dẫn đến việc không để ý biển báo, có thái độ và hành động không đúng với lực lượng CSGT. Người này cũng đã xin lỗi Đại uý Chính và xin được thông cảm, bỏ qua để tiếp tục đi lo giải quyết việc gia đình. Trước sự chứng kiến của người dân xung quanh, tổ CSGT đã cho người này đi.
Vụ việc đã được làm rõ. Phòng CSGT cũng yêu cầu đại úy Chính cần phải rút kinh nghiệm trong việc xử lý vi phạm giao thông, xử lý vụ việc đúng luật, tránh để lại những hình ảnh phản cảm gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh lực lượng CSGT.
 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)