Hàng loạt văn bản chỉ đạo đưa ra về việc tăng cường xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình tuyến cố định, nhưng xe dù vẫn ngang nhiên đón trả khách, thách thức lực lượng chức năng của Hà Nội.
Nghịch cảnh bến xe vắng vẻ, ngoài đường nhộn nhịp xe dù
Ghi nhận của PV sáng 25/11, chỉ trong 20 phút, hàng chục chiếc xe dù chạy rùa bò đón khách dọc tuyến đường Phạm Hùng, bất chấp sự có mặt của lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến.
Cụ thể, khoảng 9h10, trên đường Mỹ Đình (ngay cạnh bến xe Mỹ Đình) xuất hiện chiếc xe 16 chỗ kiểu limousine BKS 29F – 003.31 dán phù hiệu xe hợp đồng in dòng chữ Mỹ Đình phía sau, dừng lại, ngang nhiên trả khách tại đây. Ngay bên ngoài vỉa hè bến xe, 4 chiếc ô tô tương tự BKS 29B – 604.32 (treo biển Móng Cái - Quảng Ninh), 29B – 195.77, 29B – 063.65 và 29B – 086.67 đỗ bên ngoài chờ đến giờ đón khách.
Sau khi trả khách, chiếc xe BKS 29F – 003.31 tiếp tục vòng qua đường Thiên Hiền (phường Mỹ Đình) trả hàng.
|
Xe dù, xe kinh doanh vận tải hành khách trái phép tung hoành trên tuyến đường Phạm Hùng. |
Trong lúc này, dọc tuyến đường Phạm Hùng, hàng loạt xe dù khác ngang nhiên chạy chờ đón khách như: 97B – 002.10, 29D – 332.30 (treo biển tên lộ trình Phúc Yên - Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc - Việt Trì…), 29B – 414.75 (treo biển tên Quảng Ninh – Móng Cái), 29B – 189.84 (Quảng Ninh – Móng Cái), 29B – 164.77, 19F – 007.14 (Vĩnh Yên - Việt Trì – Lâm Thao - Cổ Tiết), 14B – 032.07 (Quảng Ninh - Cẩm Phả), 29D – 133.59 (Vĩnh Yên - Việt Trì – TX. Phú Thọ), 29D – 324.94 (biển số nền trắng, Móng Cái - Quảng Ninh).
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, so với thời điểm trước dịch COVID-19, lượng xe khách tuyến cố định vào bến giảm mạnh, có một số tuyến còn bỏ hẳn như: Chăm Mát (Hoà Bình), Thái Nguyên và Quảng Ninh.
Những tuyến này trước đây, xe đăng ký vào bến cực đông thì bây giờ lại là tuyến chủ đạo ngoài đường. Xe dù bến cóc đã gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến kinh doanh của các đơn vị vận tải đang thực hiện nghiêm túc cũng như hoạt động của bến xe.
Cách nào giải quyết?
Trước đó, tại buổi tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc" ngày 23/11, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ các DN vận tải và Bến xe cũng cho biết, tình trạng xe dù đang phát triển ngày càng nhiều, từ 1 xe, 2 xe rồi 3 xe, từ xe 9 ghế đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh. Tình trạng này đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, do cạnh tranh không bình đẳng của xe dù nên nhiều xe tuyến cố định đã bị dừng, nhiều tuyến phải giảm tần suất và doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù nếu tình trạng này không được giải quyết triệt để.
|
Điểm dừng đón, trả khách và bến cóc nằm la liệt xung quanh bến xe Mỹ Đình mà không bị xử lý. |
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại và phát triển là do việc tổ chức và bố trí các bến xe tương đối xa khu vực người dân đang sinh sống. Trong khi đó, giao thông công cộng lại chưa kết nối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… không quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách dẫn đến tình trạng nguời dân lựa chọn xe dù cho thuận tiện với nhu cầu của mình.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục ĐBVN cho rằng: “Chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, bản thân nhiều người dân vẫn giữ thói quen tiện đâu đi đó khiến cho xe dù ngày càng nở rộ”.
Bàn về giải pháp để dẹp tận gốc nạn “xe dù, bến cóc”, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, mỗi địa phương cần xem xét lại quy hoạch bến bãi, quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón, trả khách hiện nay. Người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực thi pháp luật.
Đặc biệt, cần khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các vi phạm. Các lực lượng chức năng gồm CSGT, TTGT, công an địa phương phối hợp chặt chẽ kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải việc thực hiện giám sát phương tiện, nhất là dịp Tết sắp tới.
“CSGT chỉ có thể kiểm soát trên đường nên lực lượng tại chỗ, cảnh sát trật tự, công an phường, xã, thanh tra giao thông phải làm mạnh việc kiểm tra thực hiện quy định pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải. Có như thế mới giảm bớt được tình trạng xe dù, bến cóc”, ông Hùng nhấn mạnh.
|
Những chiếc xe vận tải khách vô tư vẫy, đoán khách dọc đường. |
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông cũng khuyến cáo người dân gặp hiện tượng xe dù, bến cóc, phát hiện “cò mồi”, bảo kê xe khách hoạt động sai quy định cần tố cáo đến lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý thông qua số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT, Cục Cảnh sát hình sự hoặc thậm chí Cục Cảnh sát điều tra… hoặc nhanh nhất là cung cấp thông tin theo số điện thoại 113.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên viên cao cấp JICA, tại các văn bản pháp luật hiện hành còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, chưa có quy định trách nhiệm quản lý đối với các phường xã để xảy ra tình trạng bến cóc xe dù trên địa bàn.
Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, thời gian tới, Cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị như là các bến xe, các điểm đón trả khách.
Cục Đường bộ VN cũng đề nghị các địa phương cân nhắc, thận trọng điều chỉnh vị trí bến xe, tránh tình trạng các bến xe đang hoạt động hiệu quả, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân thì điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị nội đô, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
“Cục Đường bộ VN đang kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan tham mưu thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu đề xuất để bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Sau khi xây dựng xong phần mềm sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho các Sở GTVT, lực lượng TTGT, CSGT và các đơn vị có liên quan để theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt đối với các loại hình kinh doanh vận tải và chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh”, Cục Đường bộ VN thông tin.
>>> Mời độc giả xem thêm video 80% người vi phạm giao thông không đóng phạt nguội (Nguồn: VTV24)