Ngáo đá hay máu lạnh?
Vụ án con rể sát hại mẹ vợ rồi phi tang xác xuống bể nước mưa ở Thái Bình đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh những người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau gia tăng trong thời gian qua.
Theo lời khai ban đầu của đối tượng Vũ Đức Bộ (SN 1989, trú tại thôn Các Đông, xã Thái Thượng, Thái Thụy), do mâu thuẫn với vợ và mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Hợi (SN 1971, thôn Hổ Đội 2, xã Thụy Lương, Thái Thụy), Bộ đã dùng dao tước đoạt mạng sống của mẹ vợ và phi tang xác xuống bể nước mưa. Đáng chú ý, trước đó, Bộ đã nhiều lần đe dọa giết mẹ vợ mình.
Bộ là đối tượng nghiện ma túy và đã có một tiền án về tội trộm cắp tài sản. Dù nguyên nhân vụ án đang được cơ quan công an tỉnh Thái Bình điều tra làm rõ, dư luận đặt câu hỏi về việc ngoài mâu thuẫn với bà Hợi, có thể thời điểm xảy ra vụ án, Bộ lên cơn nghiện ma túy nên xin tiền không được mà sát hại hoặc lên cơ phê ma túy tạo ảo giác để rồi giết người.
Tuy nhiên, diễn biến vụ án cho thấy, Bộ đã có sự chuẩn bị trước khi ra tay sát hại mẹ vợ. Thực tế, Bộ đã mang theo người con dao dài khoảng 15cm, thời điểm gây án là lúc 6h sáng, đồng nghĩa với việc Bộ phải rình rập nhà bà Hợi từ lúc rạng sáng hoặc từ tối hôm trước.
|
Hiện trường phát hiện thi thể người phụ nữ xấu số. |
Một chi tiết khác cho thấy Bộ hoàn toàn tỉnh táo ở thời điểm gây án. Bởi sau khi gây án, Bộ bình tĩnh lấy quần áo của bà Hợi để lau sạch các vết máu có tại hiện trường, sau đó bỏ tất cả vào trong bể nước.
Chiếc áo Bộ mặc có vết máu cũng được vứt trong nhà vệ sinh. Sau khi sát hại mẹ vợ, Bộ còn bình tĩnh ăn ổi trên ban thờ. Khi rời khỏi hiện trường, Bộ bắt taxi đi về TP Thái Bình, thuê nhà nghỉ, tắm rửa sạch sẽ rồi về nhà như chưa có gì xảy ra.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ nghi án con rể sát hại mẹ vợ rồi thả vào bể nước tại Thái Bình, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của người phụ nữ xấu số này.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành hoạt động mổ tử thi, khám nghiệm hiện trường để thu thập các dấu vết, chứng cứ đồng thời lấy lời khai của nghi phạm để làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Trong trường hợp xác định đối tượng sát hại nạn nhân vì ảo giác do sử dụng ma túy đá hoặc do mâu thuẫn trong gia đình thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người, theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cụ thể việc giải quyết như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả, điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, đa số những vụ án người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính là mâu thuẫn về tài sản do nợ nần và mâu thuẫn về tình cảm dẫn đến thù tức, bức xúc, không kiểm chế được hành vi của mình. Lòng tham, tính đố kỵ, thiếu tôn trọng lẫn nhau dẫn đến nhiều trường hợp anh em, vợ chồng, bố con đâm chém lẫn nhau...
Bên cạnh đó, những vụ án mạng xuất phát từ mối quan hệ vợ chồng rạn vỡ cũng có xu hướng ngày càng xảy ra nhiều hơn. Nguyên nhân là những mâu thuẫn trong cuộc sống, bất đồng chính kiến, không thuỷ chung... dẫn đến tâm lý ức chế, dồn nén, những suy nghĩ tiêu cực tích tụ lâu ngày không có giải pháp, không lối thoát, đến một lúc nào đó cảm xúc bùng nổ trở thành hành vi nguy hiểm, bất chấp tất cả để tước đoạt tính mạng của người mà người đó thù hận.
Cho dù hành vi sát hại người thân xuất phát từ nguyên nhân nào chăng nữa thì hành vi này cũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm nghĩa vụ yêu thương, quý mến, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người thân trong gia đình.
Không những thế, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác còn là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có dấu hiệu của tội giết người với những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng là: có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục... phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
|
Đối tượng Bộ tại cơ quan công an. |
Đâu là nguyên nhân những vụ thảm án trong gia đình
Theo luật sư Cường, trong bối cảnh kinh tế xã hội đang ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra thường xuyên, nhanh chóng, cuộc sống hiện đại khiến người ta có xu hướng coi nhẹ tình cảm, nặng hơn về vật chất, thêm vào đó là phim ảnh, những văn hóa lai căng.
Cái tôi của mỗi người ngày càng cao, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng mỏng manh, những gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường ngày càng ít. Sự tác động, giáo dục từ ông bà, cha mẹ đến con cái không còn nhiều như trước.
Nhiều gia đình vì cuộc sống bận rộn, cơm áo gạo tiền mà con cái thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Các văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một khiến những chuyện như: “Nhà kia lỗi phép còn khinh bố - Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” ngày càng diễn ra nhiều trong xã hội.
Luật sư Cường cho rằng, để giảm thiểu tình trạng huynh đệ tương tàn, cha con tàn sát lẫn nhau, vợ chồng, anh em sát hại lẫn nhau... thì không chỉ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe của công dân mà còn có những giải pháp đặc thù đối với các vụ việc mà đối tượng phạm tội và người bị hại là các thành viên trong gia đình.
Trước hết, cần tăng cường, thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục sao cho mỗi công dân đều có ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác. Nâng cao văn hóa yêu thương, quý trọng, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và với làng xóm, cộng đồng xã hội.
Khi người ta biết tôn trọng, quý trọng bản thân mình, biết tôn trọng người khác thì mới giảm thiểu được hành vi có tính chất côn đồ sẵn sàng xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Khi tình yêu thương, gắn bó, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình được nâng cao thì những mâu thuẫn, tranh chấp sẽ bớt đi và sẽ có nhiều cách để giải quyết...
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sao cho người dân nhận thức được những hành vi nào pháp luật cho phép, những hành vi nào pháp luật ngăn cấm và chế tài khi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác như thế nào. Khi biết hành vi của mình sẽ bị sự trừng phạt trước pháp luật, người ta có thể phải cân nhắc, suy nghĩ trước khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần phải tăng cường trách nhiệm của các tổ chức hoà giải cơ sở và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức hoà giải theo Luật hòa giải cơ sở. Kịp thời phát hiện những tranh chấp, mẫu thuẫn trong gia đình để thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp những vụ việc có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình thì phải có những giải pháp để ngăn chặn. Trong trường hợp không hòa giải được thì phải hướng dẫn thủ tục để các đương sự khởi kiện đến tòa án hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để được giải quyết theo quy định pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Cần phải bổ sung các quy phạm pháp luật để gắn trách nhiệm với tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ hòa giải theo hướng trường hợp địa phương nào không thực hiện tốt công tác hòa giải để xảy ra những vụ án mạng thì người đứng đầu địa phương đó, những người có chức trách, nhiệm vụ trong việc tiếp nhận thông tin, tổ chức hòa giải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngày nay, sự phát triển của xã hội kéo theo rất nhiều tổ chức, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc trong gia đình. Các chuyên gia tâm lý cũng ngày càng phát triển, sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết các vấn đề về tâm lý khi xảy ra những mâu thuẫn, xung đột.
Bởi vậy, khi trong gia đình có mâu thuẫn giữa vợ chồng, cha mẹ, anh em mà không thể tự giải quyết, không thể hòa giải được thì những người tỉnh táo, khôn ngoan thường tìm đến các chuyên gia tâm lý, các nhà tư vấn, các luật sư để được tư vấn và tìm giải pháp tốt nhất.
Trong trường hợp không thể hòa giải, thỏa thuận được với nhau nên chọn giải pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật (có thể là khởi kiện) để giải quyết tranh chấp, mẫu thuẫn đó.
Những người thiếu kỹ năng sống, thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống có vấn đề, ít chia sẻ hoặc những người có khí chất nóng, thiếu kiềm chế cảm xúc thì thường tìm cách giải quyết tiêu cực hoặc tự xử dẫn đến hậu quả khôn lường. Khi nâng cao trình độ văn hóa, có học thức, có kinh nghiệm ứng xử, được rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề thì người ta sẽ biết kiềm chế cảm xúc.
Với những người có hiểu biết pháp luật và am hiểu về xã hội thì sẽ có nhiều cách để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn và ít khi rơi vào bế tắc nên khi xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình họ ít tìm đến những giải pháp tiêu cực như tự tử hoặc sát hại người khác.
Mời độc giả xem video Con rể sát hại mẹ vợ rồi giấu xác trong bể nước ở Thái Bình: