Tượng đài là nơi kỷ niệm ghi dấu trận đánh của Trung đội Mai Quốc Ca ngày 10/4/1972 đã làm nên một huyền sử của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chỉ vỏn vẹn 20 tay súng nhưng đã tiêu diệt được 125 quân địch thuộc nhiều binh chủng, 2 cố vấn quân sự Mỹ và bắn hạ nhiều xe cơ giới.
|
Tượng đài tưởng niệm trung đội Mai Quốc Ca ảnh: Hữu Thành
|
Do lực lượng quá chênh lệch 20 chiến sĩ của trung đội Mai Quốc Ca đã lần lượt hy sinh.
Với chiến công ấy, tháng 9/1973, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát đã ký quyết định số 107/QĐ-CPCMLTCHMNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đồng thời phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100” cho Trung đội Mai Quốc Ca năm 1973.
|
Vợ chồng ông Vũ Quang Thành |
Quân sử cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ cứu nước từng ghi đậm sự kiện ấy. Và từ năm 1973 rộng khắp trong toàn quân ở các chiến trường sôi nổi một phong trào có tên Một thắng một trăm học tập nêu gương Trung đội Mai Quốc Ca.
Hình tượng 20 giọt máu hồng tượng trưng cho cuộc đời oanh liệt của 20 chiến sĩ trẻ ngã xuống độ tuổi mới mười tám, đôi mươi… Văn bia trên tượng đài ghi như thế. Nhưng đã tồn tại một huyền thoại! Một chiến sĩ trong trung đội ấy nay vẫn còn sống! Và người chiến sĩ huyền thoại năm ấy ở đầu cầu Thạch Hãn đang ngồi bên tôi đây!
… Kịp tròn 20 tuổi, tháng 5/1971, chàng trai Vũ Quang Thành làng Đồng Minh vùng ven Thành Nhà Hồ của xã Vĩnh Phúc huyện Vĩnh Lộc lên đường nhập ngũ.
Anh xung vào đội hình của Trung đoàn 14 thuộc Tỉnh đội Thanh Hóa là lực lượng bổ sung cho đơn vị chủ lực Sư đoàn 304.
Trung đội 2 thuộc đại đội 11 của tiểu đoàn 3 khi ấy không gọi là Trung đội cảm tử nhưng mang tên trung đội quyết thắng Mai Quốc Ca, thường gọi tắt là Trung đội Mai Quốc Ca. Trung đội gồm 20 tay súng là những chàng trai quả cảm hăng hái ngùn ngụt nhiệt huyết do Mai Quốc Ca làm trung đội trưởng. Chàng trai Mai Quốc Ca quê ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung khi ấy 22, già dặn nhỉnh tuổi hơn lứa 18, 20 của Vũ Quang Thành cùng năm chiến sĩ quê Vĩnh Lộc. Trung đội có hơn mười người đồng hương Thanh Hóa đã cùng trải những ngày tháng huấn luyện gian khổ bên nhau nên anh em rất thân thiết, gắn bó.
Những ngày rèn tập trên thao trường ở Như Xuân xứ Thanh và đất Bố Trạch, Quảng Bình trôi nhanh. Đầu năm 1972, trung đội Mai Quốc Ca trong đội hình của sư 304 vào mặt trận Quảng Trị.
Nhiệm vụ đầu tiên của trung đội là vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược “lót ổ” cho Tiểu đoàn đánh vào các căn cứ vùng giáp ranh tại Đầu Mầu, núi Kiến (Quảng Trị).
Đêm 9/4/1972, Trung đội Mai Quốc Ca nhận nhiệm vụ vận chuyển 100kg thuốc nổ TNT để đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn), chặn quân tiếp viện của địch từ thị xã Quảng Trị lên ứng cứu cho Đông Hà, Ái Tử - 2 (căn cứ quân sự lớn của địch tại vùng chiến thuật I). Từ đó, tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng địch tại chiến trường Quảng Trị.
Nhưng rạng sáng ngày 10/4/1972, khi trung đội Mai Quốc Ca đến gần cầu Thạch Hãn thì bị lộ. Giữa vòng vây địch hơn 2 tiểu đoàn mỗi lúc càng dày đặc, các chiến sĩ của trung đội vẫn cố gắng chống trả, cầm cự, động viên nhau quyết chiến. Thế trận giằng co quyết liệt. Có lúc chiến sĩ phải đánh giáp lá cà. Anh em động viên nhau cố hết sức mình phá vòng vây. Dưới sự chỉ huy bình tĩnh mưu trí của trung đội trưởng Mai Quốc Ca, các chiến sĩ vừa anh dũng đánh trả nhiều đợt tấn công, tận dụng địa thế, người trước xông pha, người sau yểm trợ… Nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn, đến quá trưa ngày 10/4/1972, hầu hết các chiến sĩ của trung đội đã lần lượt hy sinh.
Trời ngả sang chiều, tổ chiến đấu của Vũ Quang Thành dạt vào một ngôi làng. Lợi dụng địa thế, ba anh em động viên nhau bình tĩnh đánh trả địch. Lần lượt chứng kiến hai người bạn cùng quê Vĩnh Lộc trúng đạn hy sinh, Thành bị thương nặng rồi phút chốc ngất đi không biết gì nữa.
Khi tỉnh dậy, Thành mang máng nhận ra mình hình như đang nằm trên sàn xe ô tô? Cảm giác đau nhói lại dội lên. Người Thành như cứng lại vì những lớp bông băng. Ánh đèn trên xe lúc mờ nhòe khi tỏ những khuôn mặt lạ và giọng nói cũng lạ hoắc ngay cạnh.
Bị bắt rồi. Thành thoảng nhanh ý nghĩ. Tình huống này quả là Thành và anh em trong trung đội Mai Quốc Ca chưa từng lường trước? Nhưng Thành loáng nhanh một ý nghĩ, kệ, chết là cùng chứ gì? Cảm giác đau đớn lại dộng lên tận óc vì xe xóc. Thành lại ngất đi.
Tại bệnh viện quân y của địch ở Huế mang tên Nguyễn Tri Phương, do bị thương nặng vào khoang bụng và ngực, Thành phải chịu đau đớn vì những cắt nối ruột và nhiều thứ phẫu thuật khác. Nhưng những lúc tỉnh, Thành luôn bị hành hạ quấy rối vì những cuộc hỏi cung tưởng vô tình như hỏi han chuyện trò. Mà người hỏi không ai khác là ngay chính mấy lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cùng nằm điều trị ở giường bên.
Hình tượng 20 giọt máu hồng tượng trưng cho cuộc đời oanh liệt của 20 chiến sĩ trẻ ngã xuống độ tuổi mới mười tám, đôi mươi… Văn bia trên tượng đài ghi như thế.
Vết thương dần ổn định. Thành lần lượt đối mặt với những cuộc đi cung. Có mặt cả cố vấn Mỹ. Có ngày chúng tra hỏi tới 7 lần.
Thành đã lanh trí giấu biệt ý đồ chặn quân tiếp viện của địch từ thị xã Quảng Trị lên ứng cứu cho Đông Hà, Ái Tử tạo điều kiện để các cánh quân của ta ém phục sẵn hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng quân sự địch mà trung đội trưởng Mai Quốc Ca quán triệt cho anh em trong trung đội trước trận đánh.
Điệp khúc từ gã tù binh Bắc Việt cứ lặp đi lặp lại. Những là mới vô bộ đội, chỉ huy bảo chi thì làm nấy… Chỉ làm theo lệnh trên. Là hành quân theo đơn vị có biết ý đồ của cấp trên như thế nào đâu?
Chừng như đã ngán trước vẻ lờ đờ mệt mỏi và những bản cung ngớ ngẩn vô thưởng vô phạt của tay lính Bắc Việt trẻ măng này, chúng ném Thành lên chiếc C130 áp tải vô trại giam Bạch Đằng ở Đà Nẵng. Thành bị giam chung với hơn 50 tù binh khác.
Tại đây mỗi anh một buồng giam riêng khoảng 5 m2. Chiếu chăn không có nằm sàn xi măng.
Nhiều ngày đêm mỗi tù binh phải lựa chọn một trong hai. Chấp nhận chiêu hồi, sẽ làm lính VNCH hoặc làm đời sống dân thường tùy theo nghề nghiệp. Có thể lấy vợ sinh con, nếu không chấp nhận sẽ là tù mãn đời.
Thành và 50 anh em kiên quyết không chiêu hồi. Chọn đời sống tù ngục.
Địch lại đưa Thành giam tiếp ở Non Nước. Và nhà giam dưới chân núi Sơn Trà. Thuyết phục dọa dẫm và cả đánh chửi phạt bỏ đói, thấy không kết quả tháng 9/1972 địch đưa Thành và anh em ra Trại tù Phú Quốc...