Chuyện “người vận chuyển” ở Hội An

Google News

Mỗi lần nghe điện thoại có trường hợp F1 cần đưa đi cách ly, anh Minh lại mặc bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và lên đường. Ngày cao điểm, anh vận chuyển cả trăm chuyến chở F1 đến khu cách ly, có những F1 tịnh tiến thành F0.

Chở hàng nghìn F1 miễn phí
Đến giờ, nhiều người Hội An đã quen với cái tên “người vận chuyển” Nguyễn Trí Minh (38 tuổi, ở phường Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam - Trưởng nhóm thiện nguyện Tươi sáng), khi anh đồng hành suốt những lần dịch COVID-19 bùng phát. Hàng nghìn người được anh chở miễn phí.
Anh Minh là giám đốc Cty Minh Travel. Tuy nhiên gần 2 năm nay, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng các cộng sự của mình đã dành toàn thời gian cho cuộc chiến chống dịch. Chiếc xe du lịch 16 chỗ vốn là cần câu cơm của anh được trưng dụng chở F1 đến các khu cách ly. Năm ngoái khi dịch bùng phát tại Hội An, số F1 tăng lên nhanh chóng, lãnh đạo thành phố phát thông báo kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng, và Minh là một trong những người hưởng ứng đầu tiên.
Chuyen “nguoi van chuyen” o Hoi An
 Quán cơm 3 ngàn đồng của nhóm Thiện nguyện Tươi sáng là địa chỉ quen thuộc của người nghèo.
“Lúc đầu ba mẹ cũng lo lắng, khóc can ngăn nhưng mình nghĩ con trai sức dài vai rộng, lúc mọi người cần mà không đưa vai giúp đỡ, giúp chút sức cho quê hương thì không được nên quyết tâm đi”, anh nói.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, ngột ngạt giữa nắng hè gay gắt, Minh cùng các cộng sự vẫn miệt mài với công việc chở người không công của mình. Anh từ tốn hướng dẫn F1 lên xe rồi giúp mọi người vận chuyển đồ đạc. Những ngày cao điểm anh và các anh em nhóm thiện nguyện chạy tới hàng trăm chuyến xe.
Thường xuyên tiếp xúc với nguồn có nguy cơ mắc COVID-19, Minh chủ động “cách ly” gia đình, dù ở ngay trong thành phố nhưng mấy tháng ròng không gặp ba mẹ, người thân. Mọi người cũng dần hiểu tấm lòng trượng nghĩa ấy, chỉ nhắc nhở anh phải hết sức cẩn trọng, và chăm lo cho sức khỏe.
21 ngày “làm mẹ”
Sau 3 đợt dịch COVID-19 bùng phát, đến nay anh Minh đã tham gia chở hàng nghìn F1 miễn phí. Hành trình của “người vận chuyển” có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Mới đây nhất, lá thư của chị H. T. T (là bệnh nhân 457) sau những ngày dài điều trị tại Đà Nẵng, trong khi 2 đứa con của chị đang ở Khu cách ly tập trung ở Hội An.
“Gần 1 tháng tại Bệnh viện Hòa Vang, trong lúc mẹ xa con, giữa lúc dịch bệnh hoành hành, quý vị đã mở rộng vòng tay ôm ba mẹ con em vào lòng. Đã lo từng miếng ăn, giấc ngủ, từng giọt nước, cái bánh, cây kẹo... để cháu vơi đi nỗi nhớ mẹ, mẹ yên tâm điều trị. Mặc dù em không phải là người con của Hội An nhưng bằng tấm lòng “nhân tình thuần hậu” đã đóng góp hỗ trợ cho ba mẹ con số tiền 14.250.000 đồng. Em chân thành cảm ơn anh Minh, người đã thay em làm mẹ trong 21 ngày tại trường Điện (Trường CĐ Điện lực miền Trung tại Hội An, là nơi cách ly chống dịch - PV) và 7 ngày ở nhà...” - thư của chị T. viết.
Ngày 27/5, chị H. T. T có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, được đưa đến Bệnh viện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) để điều trị. Hai đứa con một học lớp 6, một học lớp 3 thì được cách ly tập trung tại Hội An. Khó kể hết nỗi rối bời lo sợ của ba mẹ con. Cho đến khi, các con khoe với mẹ rằng được chăm sóc chu đáo, chú Minh lo cho từ bữa ăn, giấc ngủ, còn mua kẹo bánh và chuyện trò an ủi, trong lòng người mẹ đầy cảm kích.
Biết hoàn cảnh mẹ con chị T. hết sức khó khăn, cả ba sống trong gian nhà trọ chật hẹp, Minh cùng nhóm Thiện nguyện Tươi sáng kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền hơn 14 triệu đồng giúp hỗ trợ chi phí ăn uống, thuê nhà trọ và tiền học.
Quán cơm 3 ngàn cho người nghèo
Cùng với việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, Minh cùng các thành viên nhóm Thiện nguyện Tươi sáng duy trì quán cơm thiện nguyện 3 ngàn đồng cho người nghèo ở địa chỉ 100 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An. Quán cơm duy trì suốt 4 năm nay.
Suất cơm đảm bảo tiêu chí sạch và đầy đủ chất dinh dưỡng, khách hàng là những người bán vé số, người lao động nghèo. Kinh phí duy trì quán ăn do số tiền nhà hảo tâm đóng góp, ngoài ra trích một phần quỹ hoạt động của nhóm. “Giá 3 ngàn là để mọi người không cảm thấy ngại, tự ái vì ăn cơm miễn phí”, Minh chia sẻ.
Ngay trước quán, một ATM gạo được đặt để phát gạo miễn phí hàng tháng cho người nghèo. Những người được nhận gạo được lên danh sách, khi đến nơi máy sẽ tự nhận diện khuôn mặt và phát gạo cho người dân.

Số điện thoại của Minh cũng trở thành số “hotline”, nên chuyện nửa đêm về sáng nghe có cuộc gọi chở F1 đi cách ly trở nên quá quen thuộc. “Bận bịu cũng được, mệt thêm chút cũng được miễn sao mọi người cùng chung tay, sớm đuổi dịch COVID-19 để nhịp sống bình thường trở lại, đó là động lực lớn nhất, hạnh phúc nhất” - anh chia sẻ.


Theo Hoài Văn/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)