Mấy năm nay, người dân cả nước, đặc biệt là các nhà quản lý văn hóa, khảo cổ, tâm linh đều quan tâm đến câu chuyện tìm mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân vật xuất chúng lỗi lạc, được coi là nhà tiên tri của Việt Nam.
Chính vì thế, mỗi khi rộ lên một thông tin gì liên quan đến mộ của cụ, người dân cả nước lại quan tâm sát sao, báo chí vào cuộc đưa tin, với đầy hy vọng.
Còn nhớ, suốt hai năm 2016 và 2017, chuyện tìm mộ cụ sốt nóng trên các phương tiện truyền thông. Nhưng rồi, cuối cùng, chuyện tìm thấy mộ cụ lại thực sự hết sức tào lao, như câu chuyện dựng lên, bịa tạc, khiến nhiều người hụt hẫng, mất hết niềm tin vào các nhà nghiên cứu, phương pháp tìm mộ bằng tâm linh, thậm chí là cả những nhà khảo cổ học uy tín.
Mới đây, phóng viên Báo điện tử VTC News, khá ngỡ ngàng, khi một nhà tâm linh đã gọi điện, muốn gặp, bởi có việc rất trọng đại, đó là “cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm” muốn gặp nhà báo, để thông báo một chuyện hết sức quan trọng. Người mà “cụ” muốn gặp, là nhà báo Phạm Dương Ngọc.
|
Chiếc quách gỗ được cho là chứa hài cốt của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đào được năm 2014. |
Thấy câu chuyện thú vị, dù có hơi hướng hoang đường, nhưng phóng viên đã sắp xếp thời gian để được “gặp cụ”, để có thêm thông tin về những cuộc tìm mộ cụ đang âm thầm tiếp diễn.
Đúng hẹn, đầu giờ chiều, trước mặt phóng viên là một người phụ nữ có khả năng tâm linh. Chị có khuôn mặt hiền lành, đức độ, khiêm tốn. Năm nay mới 40 tuổi, nhưng đã là tiến sĩ nhiều năm, hiện là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở thủ đô.
Câu chuyện về cuộc đời chị hết sức lạ lùng, nhưng cũng có nhiều nét tương đồng như những người có khả năng ngoại cảm ở Việt Nam, xuất hiện nhiều trong những năm gần đây.
Chị sinh ra trong một gia đình có gia thế. Bố mẹ là cán bộ nhà nước, có chức tước, chồng làm việc ở cơ quan khoa học uy tín. Bản thân chị cũng là trí thức. Từ nhỏ, chị chẳng quan tâm đến vấn đề tâm linh, ngay cả thờ cúng cũng không biết gì. Chị cắm cúi học hành từ bé, lớn lên thì sấp mặt với các đề tài khoa học, đến nỗi ở Việt Nam có nhà ngoại cảm nào chị cũng không biết, tờ báo nào chị cũng chẳng hay, cho nên, đến một ngày, chị tự dưng thành “nhà ngoại cảm”, rồi đi gặp một nhà báo, truyền đạt câu chuyện hết sức hoang đường, là đều chị chẳng bao giờ nghĩ đến.
Theo lời chị, từ khi mang bầu đứa con thứ 2, trong đầu chị có những biểu hiện kỳ lạ. Khi sinh con xong, thì những tín hiệu chị cảm nhận được ngày càng rõ hơn. “Đó là một thế giới hết sức trong sáng, cao siêu, kỳ diệu và trí tuệ vô biên, chứ không phải thứ vong ma ngoại cảm thông thường” – chị cho biết.
Một nhân vật thường xuyên dạy dỗ chị, là “Mẫu”. Đó là bậc trí huệ, dạy dỗ chị, thử thách chị, và khai trí cho chị. Chị hay gọi là “mẹ”. Ngoài ra, còn những nhân vật khác, mà chị đều coi là tối linh. Nhiều năm qua, ngoài lúc lên lớp giảng dạy, thì đêm đêm, chị vẫn “học tập” chăm chỉ, và được các bậc tối linh dẫn dắt, thử thách, rèn luyện hoàn thiện bản thân và khả năng đặc biệt.
Chị bảo rằng, vì có học vị tới tiến sĩ, là người hiểu biết, khiêm tốn, nên chị ít khi tiết lộ khả năng của mình với ai. Chị chỉ cung cấp thông tin, trò chuyện với một số ít người. Ngay cả người thân nhất trong gia đình cũng không biết gì về khả năng của chị.
Tôi hỏi rằng, trước đây chị có đi áp vong bao giờ không, chị bảo “không bao giờ”, tôi lại hỏi “chị có đi học thiền, cảm xạ, mở luân xa, nhân điện…”, thì chị thú nhận, có thời gian từng đi học môn cảm xạ khoảng 1 tháng, để rèn luyện sức khỏe.
Khi tôi đang trò chuyện để tìm hiểu khả năng của chị liên quan đến não bộ, thì chị nhắc lại đến những bậc tối linh. Nhưng, câu chuyện chị gặp tôi, lại khá kỳ lạ, khi liên quan đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, là bậc trí giả lỗi lạc sống cách nay nửa thiên niên kỷ.
“Tôi không làm gì, nói gì, hay gặp ai mà theo ý mình cả. Tất cả đều là sự sắp xếp của bề trên. Bề trên sai bảo điều gì, thì tôi làm như vậy. Nay gặp nhà báo, cũng là sự dẫn dắt của bề trên” – chị khẳng định lại như vậy.
Theo chị, lâu nay, chị thường xuyên giao tiếp với cụ “Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Bản thân chị không biết nhà báo Phạm Dương Ngọc là ai, làm việc ở đâu, nhưng “cụ” bảo cần gặp nhà báo đó.
“Hồi đầu năm, tôi về đền Trần ở Thái Bình, có nhờ nhà sử học Đặng Hùng dẫn về. Tôi thắp hương, khấn vái các cụ, rồi về luôn. Anh Đặng Hùng rất nhiệt tình đưa đón, chỉ dẫn cho tôi nhiều điều. Trong một câu chuyện, anh vô tình nhắc đến tên nhà báo Phạm Dương Ngọc làm tôi giật mình. Cái tên này được “cụ” nói đến, giờ lại nghe anh Hùng nói, có lẽ là có ý đồ cả” – chị kể.
|
Nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường từng trực tiếp nghiên cứu chiếc tiểu gỗ được cho là chứa hài cốt cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Sau đó một thời gian ngắn, chị đi theo đoàn nghiên cứu lên bãi đá khắc Sapa. Nhóm nghiên cứu này đang muốn chứng minh các hình khắc trên bãi đá cổ là những bản đồ vùng đất sở tại, xung quanh và cả thế giới. Nhóm này muốn chứng minh bãi đá khắc là tri thức vĩ đại của nhân loại, khởi thủy từ Việt Nam. Đi theo nhóm người này, lại có người bỗng dưng nhắc đến nhà báo Phạm Dương Ngọc. Không chỉ “lời cụ báo”, mà liên tiếp các sự kiện như sự sắp đặt, đã khiến chị sử dụng các mối liên hệ để gặp nhà báo này.
“Gia đình tôi có rất nhiều người làm báo, thậm chí người thân làm tổng giám đốc đài trung ương, nhưng không hiểu sao cụ lại cứ báo gặp nhà báo Phạm Dương Ngọc, rồi thì sắp xếp dẫn dắt các câu chuyện hướng tôi phải gặp anh để thông báo chuyện này” – chị khẳng định lần nữa để tăng phần quan trọng cho câu chuyện.
Theo lời chị, thì “cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói” với chị rằng, tất cả các cuộc tìm mộ cụ từ xưa đến nay đều tào lao và sai bét. Điều đặc biệt, là những nhóm đi tìm mộ cụ đều vì một ý đồ nào đó, hoặc không có kiến thức, dẫn đến sai sót. Và, cụ vẫn đang thử thách các nhóm, chưa cho biết cụ nằm ở đâu.
Cũng theo “lời báo”, thì mới đây, một nhóm các nhà ngoại cảm, nhà nghiên cứu, khảo cổ, đã đào một ngôi mộ ở địa phận Hải Phòng, hoặc Tứ Kỳ (Hải Dương), sau đó quay phim, chụp ảnh, nghiên cứu, rồi chôn lấp lại. Nhóm này đã thu thập kỹ lưỡng tài liệu, chứng cứ, thậm chí thuê cả đoàn làm phim có tiếng, để dựng bộ phim rất bài bản khoa học, chờ thời điểm thích hợp sẽ tung ra, khẳng định luôn việc tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, việc làm đó hoàn toàn sai trái, bịa đặt, nên “cụ Khiêm” đã thông báo đến chị, đề nghị tìm gặp nhà báo, để điều tra sự việc này.
Mặc dù, câu chuyện của chị đầy sự huyễn hoặc, song tôi đã gọi điện cho một số cơ quan chức năng ở Hải Phòng, các nhà nghiên cứu ở địa phương. Tất cả họ đều khẳng định chưa được nghe chuyện gì liên quan đến việc khai quật mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cả.