Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn Thanh Hóa đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài không chỉ được vinh danh trong nước mà trên cả đấu trường khu vực và quốc tế.
Đã biết bao lần, lá cờ Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên đấu trường tri thức trước sự ngưỡng mộ của bao bạn bè năm châu.
|
Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn Thanh Hóa - cái nôi của hiền tài (Ảnh: tác giả cung cấp). |
“Cơn Mưa” giải thưởng
Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn đã có hàng nghìn giải quốc gia ở nhiều môn học và khu vực đặc biệt là các giải thưởng quốc tế.
Tính đến năm học 2017-2018, nhà trường có 41 học sinh đạt giải Olympic Quốc tế (7 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng, 4 bằng khen); 16 học sinh đạt giải Olympic khu vực (2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng, 4 bằng khen); 1 dự án đạt giải ba kỳ thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế; 1.631 giải Quốc gia (trong đó có 74 giải Nhất).
Đặc biệt trong năm 2018, học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn đã gặt hái một mùa bội thu huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ Olympic quốc tế và châu Á.
Cụ thể, giành 6 huy chương Quốc tế và khu vực, trong đó có 2 Huy chương Vàng (một Huy chương Vàng đầu tiên về môn Sinh học của em Hoàng Minh Trung và 1 Huy chương Vàng môn Vật Lý của em Nguyễn Ngọc Long).
|
Em Nguyễn Văn Chí Nguyên (đeo kính ở giữa) đạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế Hóa Học (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Ngoài ra, nhà trường còn giành được 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng Olympic Châu Á.
Với những thành tích đạt được, Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn đã vinh dự nhận được danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới.
Bí quyết thành công của nhà trường
Đóng góp đầu tiên phải kể đến vai trò của người “nhạc trưởng” nhà trường. Đó chính là, Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường.
Kể từ ngày đảm nhiệm cương vị cao nhất trong một tập thể có bề dày về thành tích, có truyền thống dạy và học như trường chuyên Lam Sơn, thầy Chu Anh Tuấn nói áp lực trên vai cũng khá lớn.
Thầy luôn đau đáu suy nghĩ, tìm tòi thêm giải pháp để không chỉ giữ vững “phong độ” cho trường mà còn phải phát huy nhiều hơn nữa những thế mạnh và thành tích vốn có.
Theo thầy Tuấn, phương châm “muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi” luôn luôn đúng.
Vì vậy, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện để các thầy cô nhà trường phát huy hết năng lực, trình độ của mình luôn được nhà trường quan tâm.
|
Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Nhà trường thường xuyên mời các thầy cô, các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng có kinh nghiệm về bồi dưỡng cho học sinh giỏi để giao lưu, giảng dạy không chỉ cho học sinh mà chính giáo viên cùng học tập.
Việc tìm nguồn học sinh giỏi ở các địa phương, các trường trọng điểm trong tỉnh luôn được thầy Tuấn đặc biệt quan tâm.
Đích thân thầy Tuấn đến tận nơi để gặp mặt các trưởng phòng giáo dục, các hiệu trưởng, tìm hiểu những học sinh giỏi, xuất sắc nhất để “đặt hàng”, mời gọi về trường.
Thầy Nguyễn Thanh Sơn - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhà trường cho biết, nhà trường đã đặt ra nhiệm vụ giáo dục toàn diện, tập trung mũi nhọn đào tạo nhân tài. Vì thế, chất lượng giáo dục các lớp chuyên ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, trường luôn nhận được sự quan tâm đến công tác giáo dục mà đặc biệt là việc bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh.
Tỉnh đã tạo điều kiện nhiều về vật chất cũng như tinh thần để nhà trường hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh yên tâm giảng dạy và học tập.
Về phía nhà trường, luôn có kế hoạch rất sớm ngay từ khi năm học vừa kết thúc, bao giờ cũng có sự kết thừa và phát huy.
Ngay từ cuối năm học này, đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho năm học tiếp theo để cả thầy và trò cùng chủ động trong công việc một cách tốt nhất.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà trường là chọn giáo viên dạy đội tuyển. Những giáo viên này sẽ cùng đồng hành với học sinh trong suốt 3 năm học.
Để chọn được giáo viên có năng lực, phù hợp với yêu cầu đề ra, nhà trường đã phải tham khảo khá nhiều kênh thông tin như việc nghiên cứu kĩ từ đề xuất của tổ chuyên môn, tham khảo thêm phụ huynh và học sinh.
Có được điều này, nhà trường đã phát phiếu thăm dò mức độ hài lòng của phụ huynh, của học sinh về những giáo viên ấy và những ý kiến góp ý về cách dạy của thầy cô trong biên bản họp phụ huynh đầu năm ở từng khối lớp đều được đem ra cân nhắc.
Nhờ thế, nhà trường đã có trong tay một đội ngũ giáo viên dạy chuyên khá hùng hậu như các thầy cô: Lê Văn Hoành, Phạm Ngọc Quang, Ngô Xuân Ái, Lê Văn Vinh, Trịnh Thọ Trường, Lê Hồng Điệp, Nguyễn Thanh Sơn, Mai Châu Phương, Phạm Thị Nga, Lê Thị Thủy…
Với cách làm chặt chẽ, công tâm như thế, giáo viên được giao nhiệm vụ giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển cũng rất tự hào và luôn cố gắng hết mình không chỉ giữ thương hiệu cho trường còn giữ và tạo nên thương hiệu cho chính bản thân mình.
Những thành tích mà thầy và trò Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn đạt được không bỗng dưng mà có.
Đó chính là lòng quyết tâm vượt bao khó khăn, sự phấn đấu vươn lên trong mọi thử thách, là những nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò bao thế hệ để viết lên những trang sử truyền thống đầy tự hào ấy và mãi xứng đáng như tên gọi nhiều người khen tặng “nơi ươm mầm hiền tài cho đất nước”.