Nhưng hơn bao giờ hết, trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, bản lĩnh, trí tuệ của các cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã được phát huy giúp họ vượt qua những cám dỗ về vật chất, sức mạnh quyền lực để chiến đấu trên lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp.
Mặt trận không tiếng súng nhưng đầy cam go, phức tạp
Trong những năm trở lại đây, số các vụ án trong lĩnh vực kinh tế được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ điều tra, làm rõ ngày càng nhiều hơn, trong đó có những vụ án tham nhũng có thủ đoạn rất mới, trở thành điển hình cả nước.
Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã phát hiện, thụ lý điều tra tổng số 45 vụ án trong lĩnh vực tham nhũng, khởi tố 135 bị can, tổng giá trị thiệt hại hơn 70 tỷ đồng, thu hồi tài sản bị thiệt hại về cho Nhà nước hơn 25 tỷ đồng.
Có thể kể đến như vụ đối tượng Đỗ Việt Tuệ, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ nhận hối lộ 380 triệu đồng để thay đổi kết quả giám định có lợi cho nhà thầu; vụ Hiệu trưởng và nhân viên Trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng lập chứng từ, quyết toán khống các nguồn kinh phí gây thiệt hại 2,3 tỷ đồng; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Chi cục thuế huyện Yên Lập, huyện Cẩm Khê và huyện Phù Ninh và mới đây là vụ án tham ô tài sản xảy ra ở một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, gây thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng.
Ngoài những vụ án đã khởi tố, trong quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ còn phát hiện rất nhiều đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước, các trường học và xã, phường, thị trấn... sử dụng hóa đơn khống để quyết toán các khoản chi phí lên tới nhiều tỷ đồng, có dấu hiệu tham nhũng đang được điều tra làm rõ. Có những vụ đã báo cáo đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, giao cho Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy xem xét xử lý.
"Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại BLHS năm 2015 gồm các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác..., đối tượng thực hiện đều là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, Nhà nước; có trình độ, có kiến thức quản lý kinh tế và có mối quan hệ rộng.
Khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để hợp thức hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán và tìm cách đối phó, mua chuộc để giảm nhẹ hoặc thoát tội" - Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ tiếp lời.
Theo dòng chia sẻ, vị trưởng phòng cho biết: Thực tế cho thấy, đối tượng phạm tội tham nhũng chủ yếu là cán bộ đảng viên, có chức vụ quyền hạn, nhưng theo Chỉ thị số 15/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị, không được áp dụng các biện pháp điều tra bí mật đối với cán bộ, đảng viên, khi chưa có quyết định khởi tố.
Do đó, việc thu thập tài liệu, chứng cứ đấu tranh với hành vi tham nhũng của các trinh sát, điều tra viên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tội phạm tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, đối tượng phạm tội có thời gian để hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, hoặc tiêu hủy tài liệu chứng cứ.
"Các khoản tiền tham nhũng thường có sự “chung chi” giữa cấp trên và cấp dưới, do đó thường có sự bao che, hợp thức kín đáo khó bị phát hiện. Nếu bị phát hiện thì cấp dưới chịu tội, cấp trên né tránh vì không có căn cứ chứng minh (chia tiền không ai ký nhận).
Mặt khác, các khoản tiền tham nhũng thường được gửi giá vào các công trình, dự án (nâng khống dự toán, tăng khối lượng, đơn giá,...) do đó rất khó bị phát hiện", Trung tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Tội phạm tham nhũng sẵn sàng dùng của cải vật chất để chạy tội, chạy án... Mặt trận phòng, chống tội phạm tham nhũng và tội phạm buôn lậu bởi thế tuy ít tiếng súng nhưng đầy cam go, phức tạp. Mỗi vụ án được khám phá là một cuộc đấu trí; trong trận chiến ấy, người cán bộ của đơn vị phải thắng chính mình trước cám dỗ của đồng tiền.
Vị chỉ huy kể cho chúng tôi vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Chi cục Thuế huyện Yên Lập và Chi cục Thuế huyện Cẩm Khê, Phù Ninh..., đây có thể được coi là vụ án điển hình trong cả nước.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện hành vi lập hồ sơ, đề nghị cấp hóa đơn khống để bán cho các đơn vị sử dụng làm chứng từ kê khai, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và quyết toán khống tiền ngân sách nhà nước với doanh số rất lớn xảy ra tại các chi cục thuế huyện Yên Lập.
Nhận thấy hành vi vi phạm của một số cán bộ thuộc Chi cục Thuế huyện Yên Lập là rất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, liên quan đến nhiều đơn vị, tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế đã báo cáo, đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ xác lập án đấu tranh.
Quá trình điều tra, họ gặp phải không ít áp lực nhưng bằng sự quyết tâm, họ đã đưa các đối tượng phạm tội ra trước vành móng ngựa... 3 cán bộ thuộc Chi cục Thuế huyện Yên Lập đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đấu tranh mở rộng, đã phát hiện hành vi tương tự xảy ra tại Chi cục Thuế huyện Cẩm Khê và Chi cục Thuế huyện Phù Ninh. Trong thời gian 2 năm, các đối tượng đã cấp 41 hóa đơn, bán hàng với tổng doanh số hơn 28 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn sử dụng để quyết toán, kê khai giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước.
|
Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế hỏi cung một đối tượng phạm tội. |
Tâm sự của những người trong cuộc
Nhiều vụ án, họ không nhận được sự phối hợp giữa cơ quan Thanh tra Nhà nước và Thanh tra của các ngành (rất ít các vụ việc cơ quan thanh tra bàn giao, cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan Công an xem xét xử lý theo quy định pháp luật).
Để minh chứng, Trung tá Nguyễn Minh Tuấn kể cho chúng tôi 2 vụ án tham nhũng xảy ra ở hai chi nhánh của một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vừa được phát hiện cách đây không lâu. Trong vụ án này, phía ngân hàng đã biết vi phạm của cán bộ nhưng không báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý.
Quá trình đấu tranh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ điều tra đã làm rõ các đối tượng đã tham ô tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với 6 đối tượng liên quan, trong đó có cả phó giám đốc của một chi nhánh về hành vi “tham ô tài sản”.
Rồi phải kể đến việc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện cán bộ có hành vi tham nhũng nhưng sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị; sợ liên đới trách nhiệm cá nhân, nên chủ yếu là xem xét xử lý nội bộ.
Từ đó, cũng hạn chế đến công tác phòng ngừa, giáo dục, răn đe tội phạm tham nhũng. Việc định khung hình phạt có khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa quá lớn, dẫn tới việc truy tố xét xử chưa thỏa đáng nên dẫn đến hiệu quả răn đe rất thấp.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm kinh tế nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Công an, Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao.
Kết quả đó không chỉ góp phần phát triển bền vững nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu lại ngành ngân hàng, thu hồi lượng lớn tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ được các cấp khen thưởng: Tập thể Phòng Cảnh sát kinh tế được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, 2 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công hạng ba, 1 cá nhân được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… Đặc biệt, với những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, năm 2014, đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới.