Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán xong mà thanh tra thấy cần thiết thì vẫn phải làm

Google News

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thanh tra và kiểm toán nhà nước có chức năng hoàn toàn khác nhau, do đó nếu kiểm toán xong mà thanh tra thấy cần thiết thì vẫn làm.

Chiều 16/4, tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xử lý triệt để vấn đề chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước là không khả thi. Giữa 2 cơ quan này chỉ có thể là cơ chế phối hợp để tránh sự phiền toái cho các đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi cơ quan có chức năng khác nhau. Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính và tài sản công với chức năng kiểm tra, xác nhận thực trạng tài chính và báo cáo tài chính; còn Thanh tra là để phát hiện xử lý các vi phạm pháp luật.
"Hai cơ quan có chức năng hoàn toàn khác nhau nên không thể nào nói trùng lặp. Do đó, không phải cứ kiểm toán làm rồi thì thanh tra thôi hoặc thanh tra làm thì kiểm toán thôi. Nếu kiểm toán xong mà thanh tra thấy cần thiết phải làm thì vẫn làm vì phạm vi khác và mục tiêu khác", ông Vương Đình Huệ nói.
Chu tich Quoc hoi: Kiem toan xong ma thanh tra thay can thiet thi van phai lam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho hay, trong thực tế, giữa kiểm toán nhà nước và thanh tra phối hợp rất tốt, không có vấn đề gì quan trọng xảy ra.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều tập trung vào 8 nội dung.
Trong đó, dự thảo Luật quy định việc phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước.
Về chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Luật quy định mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hàng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành. Kế hoạch thanh tra của Bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hàng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Cùng với đó, Luật quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; thanh tra viên; hoạt động thanh tra; về thực hiện Kết luận thanh tra; về Thanh tra nhân dân.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Ủy ban Pháp luật cơ bản thán thành với các quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán của dự thảo Luật.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Đối với các nội dung khác, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật.
Theo VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)