Sau hai phiên họp, sáng 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 với mức tăng là 6%, tương đương 180.000-260.000 đồng tùy thuộc từng vùng.
Tăng lương phần nào đáp ứng mức sống người lao động
Theo phương án tăng lương vừa được thống nhất, tiền lương tối thiểu vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.
Dự kiến người lao động sẽ được tăng lương trong năm nay. Ảnh: PHÚ PHONG
Phiên họp ngắn nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia
Các năm trước đây Hội đồng tiền lương quốc gia đều phải nhóm họp ít nhất ba phiên. Tuy nhiên, năm nay các phiên làm việc giữa đại diện NLĐ và người sử dụng lao động diễn ra khá thuận lợi, hai bên đạt được thỏa thuận khi mới trải qua hai phiên họp.
Trả lời báo chí sau phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết mức tăng lương tối thiểu 6% phần nào đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Tuy mức tăng chưa cao nhưng nó dung hòa được mong muốn của NLĐ và người sử dụng lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết sau phiên họp này, Hội đồng tiền lương sẽ sớm trình phương án tăng lương tối thiểu vùng để Chính phủ quyết định, thực hiện sớm nhất có thể.
Về phía chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết hiện nay doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn, bắt đầu phục hồi nên rất thận trọng trong việc điều chỉnh mức lương. Vì vậy, cá nhân ông cũng chưa hài lòng với việc điều chỉnh tăng lương này vì nó chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng DN.
Vì vậy, DN hy vọng sẽ điều chỉnh từ ngày 1/1/2023, nếu điều chỉnh từ ngày 1-7 tới đây sẽ rất vất vả cho DN. Vì DN phải điều chỉnh lại các phương án kinh doanh, tăng trưởng trong khi các đơn hàng và kế hoạch đã được chốt từ đầu năm.
“Tuy nhiên, hội đồng làm việc theo tập thể và đã thống nhất cao với 15/17 thành viên đồng ý với phương án điều chỉnh, hai thành viên đề xuất tăng từ ngày 1-1-2023. Như vậy, việc tăng lương 6% là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, vì thế họ rất cần phải có sự tham gia tích cực hơn của NLĐ để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2022 và dài hơi năm tiếp theo” - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Đại diện người lao động vẫn chưa hài lòng
Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hai năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng 1 là 4,42 triệu đồng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng; vùng 3 là 3,42 triệu đồng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng.
Doanh nghiệp mong muốn tăng lương từ năm 2023
Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng các công ty đang xây dựng kế hoạch kinh doanh với chủ trương không thay đổi mức lương tối thiểu vùng năm 2022, vì vậy việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm có thể tác động đáng kể đến việc quản lý DN.
“Còn việc điều chỉnh lương từ đầu năm 2023 chúng tôi không phản đối nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh. Hiện các DN đang tiến hành điều chỉnh lương nên giả sử nếu tăng mức lương tối thiểu trong hai năm liền sẽ khiến DN không thể chịu được gánh nặng về chi phí nhân công…” - đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho hay.
Cạnh đó, dịch COVID-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ và gia đình họ. Một bộ phận NLĐ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
“Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của DN nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận NLĐ đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của NLĐ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Vì vậy, đại diện cho NLĐ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7%-8% từ ngày 1/7. Căn cứ tăng dựa vào tình hình kinh tế - xã hội, khi trong nước đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó, NLĐ vẫn đang hết sức khó khăn cùng với giá cả leo thang.
Tuy nhiên, trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì mức tăng 6% đã thể hiện sự chia sẻ giữa NLĐ với DN để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Việc điều chỉnh tăng lương là động lực thúc đẩy NLĐ nâng cao năng suất lao động giúp DN phát triển bền vững…” - ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.