Đoạn clip ghi lại cảnh chồng đánh vợ ngay giữa khu vui chơi dành cho trẻ em ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh), xuất hiện ngày 15/9 khiến nhiều người phẫn nộ.
Trong clip, anh ta đẩy người vợ xuống hồ nước rồi dùng sức ghì mạnh chị xuống nước nhiều lần. Thậm chí người đàn ông này còn đưa tay bóp cổ vợ.
Khi thấy vợ có ý định chạy lên bờ, anh ta lại túm cổ, dìm vợ xuống nước một lần nữa. Sau một hồi giằng co, người vợ đã chạy thoát lên bờ; nhưng người chồng chạy lên bờ và tiếp tục chửi bới, tát thẳng vào mặt, dùng cùi chỏ đánh vào gáy nạn nhân.
Mọi chuyện xảy ra trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ.
Người chồng nhiều lần dìm vợ xuống nước, bóp cổ; thậm chí khi vợ chạy thoát anh ta đuổi theo đấm liên tiếp trước sự chứng kiến của con trai.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đánh giá hành vi của người chồng dìm vợ xuống nước, luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng xét về phương diện đạo đức, hành vi của người chồng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của đứa con nhỏ, gây hoang mang và tiểm ấn mối nguy hại trong cuộc sống của trẻ thơ.
Trong trường hợp này, người chồng đánh vợ trước mặt của đứa bé nên sẽ tác động lớn đến tâm lý cháu bé, lưu lại hình ảnh xấu về cha mẹ trong mắt trẻ.
Về mặt pháp luật, luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định hành vi của người chồng đã vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Trường hợp nếu cơ quan chức năng qua điều tra xác định hành vi của người chồng ở mức độ nhẹ thì anh ta sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt từ 1-1,5 triệu đồng.
"Khi người vợ có đơn tố giác, cơ quan cảnh sát điều tra xác minh, giám định tổn hại sức khỏe nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố người chồng về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hoặc nếu có đủ căn cứ thì người chồng có thể bị khởi tố về tội Làm nhục người khác theo Điều 155", luật sư Đại nêu.
Cụ thể, nếu kết quả giám định thương tật của người vợ từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%... thì người chồng sẽ bị truy tố theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, nếu cơ quan điều tra sở tại xác định được xuyên suốt cuộc sống thường nhật, người chồng thường xuyên bạo lực đối với vợ của mình thì anh này còn có thể bị truy tố về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Tùy theo mức độ phạm tội mà bị truy tố với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, cao nhất đến 3 năm tù.
Ngoài ra, theo luật sư Việt, trường hợp hành vi của người chồng không gây tổn hại sức khỏe cho người vợ nhưng đã xảy ra nhiều lần và người chồng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm; thì anh ta có thể bị truy cứu về tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự.
Phải xử lý nghiêm
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều các vụ chồng bạo hành, đánh đập tàn nhẫn người vợ, luật sư Đức cho rằng các cơ quan pháp luật cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực gia đình đang gia tăng với chiều hướng ngày càng trầm trọng tại nhiều địa phương cả nước.
"Toàn bộ hành vi bạo hành của người đàn ông kia khiến mọi người chúng ta vô cùng phẫn nộ. Sự vô đạo đức đến cùng cực khi người đàn ông này nhẫn tâm xuống tay bạo lực không thương tiếc đối với vợ trước mặt con trẻ", vị luật sư nói và kiến nghị không thể chỉ dừng ở trường hợp xử phạt các trường hợp bạo lực gia đình bằng các biện pháp xử phạt hành chính như hiện nay, cần xử lý nghiêm khắc các hành vi bạo lực gia đình mức độ nghiêm trọng như trong clip.
Đặc biệt, với người có hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm, luật sư Đức cho rằng phải áp dụng hoặc biện pháp chế tài hình sự bằng hình thức phạt tù như một số quốc gia khác trên thế giới.