Dư luận đang phẫn nộ trước hành vi chồng bạo hành vợ một cách dã man của nam hành khách –khi đi trên tàu SE8 từ Nha Trang về Hà Nội. Người có hành vi bạo hành là ông Lê Văn Lập (SN 1968, trú tại Hà Nội). Nạn nhân bị bạo hành là bà Đỗ Thị C. (SN 1980) – vợ của ông Lập.
Chuyến tàu SE8 từ Nha Trang ra Hà Nội là nỗi ê chề, đau đớn về mặt tinh thần với bà C. khi đến địa phận Đồng Lê - Hương Phố (Hà Tĩnh), chồng bà bất ngờ nghi ngờ bà có quan hệ ngoại tình nên đã tra hỏi và hành hung vợ mình trước sự chứng kiến của nhiều hành khách và nhân viên trên tàu.
Các nhân viên đã cố gắng can ngăn người chồng vũ phu nhưng ông Lập vẫn không chịu dừng lại, tiếp tục hung hăng, gây rối. Các nhân viên sau đó quyết định khống chế, đưa người đàn ông này sang toa khác, tránh ảnh hưởng đến hành khách trên toa 6.
Khi đến ga Vinh, trưởng tàu đã bàn giao ông Lập cho lực lượng công an địa phương để làm rõ hành vi bạo hành vợ trên tàu SE8 của người đàn ông này.
|
Người đàn ông đánh vợ trên tàu SE8 bị khống chế. |
Đối với người phụ nữ, việc bị chồng bạo hành đã là sự nghiệt ngã, đắng cay nhưng bị chồng đánh đập trước đám đông thì là nỗi tủi nhục, ê chề. Người vợ tuổi đời còn khá trẻ so với tuổi của chồng chắc hẳn luôn muốn tìm được một chỗ dựa vững chắc với tình yêu thương từ chồng. Nhưng chỉ vì sự ích kỷ, ghen tuông vô cớ, người chồng đã đánh đập vợ tàn nhẫn trước đám đông.
Ghen tuông là thi vị của tình yêu nhưng ghen tuông tới mức thượng cẳng tay, hạ cẳng chân lại là nấm mồ chôn sống tình yêu và cuộc hôn nhân vợ chồng. Bởi trong tình yêu, hôn nhân gia đình, niềm tin vào người tình mới là thứ để níu kéo, gắn bó với nhau bền chặt.
Khi người đàn ông ghen tuông, họ mất hết lý trí, hành động theo bản năng. Sức mạnh vốn để nâng đỡ, gánh vác gia đình, vợ con đã trở thành những trận đòn dành cho người vợ. Họ không ý thức được, người vợ không làm gì đến mức phải chịu những đòn tan tác từ người chồng như vậy.
Nếu người vợ có quan hệ ngoại tình, không thể chung sống có thể chọn giải pháp ly hôn để giải thoát cho nhau. Nếu chỉ vì nghi ngờ vô cớ mà đánh đập vợ thì đúng là hành vi hèn hạ không thể chấp nhận được.
Xã hội văn minh, nam nữ bình đẳng, vợ chồng cũng bình đẳng. Bởi vậy không thể chấp nhận người chồng cho mình quyền cao hơn, áp đặt mình ở vị trí trên để có thể cho mình quyền quản lý, quát tháo đánh đập vợ và cũng không còn chuyện người vợ phải một phép nghe theo lời chồng và chịu đựng những trận đòn roi.
Sự huyễn hoặc về quyền uy của người chồng đã giết chết cuộc hôn nhân, đẩy hạnh phúc gia đình đến bờ vực của sự tan rã. Bởi phụ nữ cần một người đàn ông biết chia sẻ, nâng niu, yêu thương và quan tâm hơn là một người chồng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với họ chỉ bởi những nguyên nhân vô cớ.
Hành vi đánh đập vợ của người chồng trên chuyến tàu SE8 là hành vi hèn hạ bởi lấy vũ lực để áp chế vợ thì không xứng đáng làm người đàn ông của gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Sống với người chồng mà luôn phải nơm nớp lo sợ những trận đòn roi chả khác gì một con thỏ phải sống trong chuồng với hổ dữ. Như vậy, thì bỏ đi không tiếc một người đàn ông hèn hạ đến như thế.
Tiếc rằng, thời gian qua, có nhiều câu chuyện chồng bạo hành vợ, thậm chí giết vợ vì ghen tuông như chuyện người chồng ở Quảng Ninh đưa vợ lên đồi đánh đập, cắt cẳng chân khiến người vợ nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe yếu và cơ thể có nhiều vết thương, tinh thần hoảng loạn.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, tại Hà Giang, Nghi ngờ vợ có quan hệ yêu đương với người đàn ông khác, Thào Chúng Vư (SN 1977, trú tại thôn Đông Sao, xã Bạch Đích, Yên Minh, Hà Giang) đã dùng dao đâm vợ mình dẫn đến tử vong.
Những vụ việc chồng bạo hành vợ vì ghen liên tiếp xảy ra không chỉ là những hiện tượng đơn lẻ mà cho thấy, đạo đức xã hội đang xuống cấp. Cho thấy, bạo lực gia đình đang là vấn nạn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, gia đình, toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
Thật là giật mình khi một con số thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình.
Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.
Để ngăn chặn tình trạng trên, không chỉ sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ban ngành, chính quyền các cấp mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nhận thức cần có những chế tài xử lý nghiêm khắc với những hành vi bạo hành như người đàn ông trên chuyến tàu SE8 vừa qua.