>>> Mời quý độc giả xem video "Đại gia Đức An hạnh phúc bên Phan Như Thảo". Nguồn Youtube/ Bí mật Vbiz |
|
Trong "Lão An tự truyện" phần 4, đại gia Đức An kể về quãng thời gian mới về Việt Nam quen biết và hẹn hò Phan Như Thảo. Anh cho biết, mình là người đàn ông may mắn khi trải qua nhiều lần hôn nhẫn đổ vỡ lại tìm được hạnh phúc bên Như Thảo và con gái Bồ Câu.
"Thời gian qua ở Việt Nam, tuy không có gia đình bên cạnh, nhưng may mắn có được ông bà ngoại thương mến, anh cũng cảm thấy an ủi phần nào về mặt tinh thần. Ai cũng hiểu gia đình vẫn luôn là chỗ dựa tốt nhất cho mình, vì vậy mới có câu: 'Vợ chồng có thể thay đổi, nhưng gia đình luôn là mãi mãi.' Với những ai không có người thân bên cạnh, có lẽ dịp lễ lượt là lúc người ta cảm thấy cô đơn nhất. Ngày Tết ở Việt Nam, tiệm ăn thì đóng cửa, bạn bè quay về tụ hội với gia đình. Ngày xưa khi còn một mình anh nằm co ro ở nhà không biết đi đâu, không có gia đình để về, những lúc ấy anh mới thật sự thấu hiểu cảm giác cô đơn đáng sợ như thế nào. Anh ám ảnh hoài câu nói của người bạn: 'Anh sống một mình lỡ chết trong nhà cũng chẳng ai hay' nhưng đúng là người tính thế nào cũng không bằng trời tính. Anh cũng không thể ngờ, sau nhiều lần hôn nhân đổ vỡ, anh cuối cùng lại tìm thấy được hạnh phúc thật sự bên cạnh Thảo và Bồ Câu. Nói vậy không có nghĩa là những cuộc hôn nhân trước của anh không hạnh phúc nhưng phải có trải qua nhiều tan vỡ, anh mới hiểu được rằng, hạnh phúc không đơn giản tự nhiên mà có. Càng đau khổ bao nhiêu thì hạnh phúc càng dễ cảm nhận bấy nhiêu.
Anh còn nhớ một cái Tết rất đặc biệt trong đời cách đây vài năm, khi anh gặp được Thảo ngay ngày mồng 2 Tết. Năm đó bạn anh là đạo diễn Lê Minh biết anh không có gia đình để về, đã rủ anh đi uống rượu ở khách sạn Hyatt cho vui. Mồng 2 Tết rất khó rủ rê được ai ra ngoài, nhưng đúng là số phận, anh Lê Minh mời được Thảo và các bạn ra chơi. Cuộc gặp gỡ Thảo đầu tiên ấy lại không mang cho anh nhiều ấn tượng lắm. Anh cứ nghĩ các cô ra ngoài chơi, nhất là vào dịp lễ Tết, thì phải chưng diện áo quần, trang điểm lộng lẫy, nước hoa từ đầu đến gót chân. Nhưng hôm anh gặp Thảo thì hoàn toàn ngược lại, những gì anh nghĩ chẳng hề có, ngay cả đôi giầy cao gót cũng không. Anh còn nhớ một bài viết rất thú vị của đạo diễn Lê Hoàng về hẹn hò với các cô hot girl mà anh đã thấy chính mình ở trong đó. Ấy vậy mà hôm ấy sau vài ly rượu vang, nhạc không hay cũng đã thành hay, và trong mắt nhau có lẽ ai cũng đẹp hơn và dễ thương hơn. Khi quần áo, trang điểm, giầy cao gót không còn quan trọng nữa thì những câu chuyện đã trở thành hấp dẫn hơn bội phần. Cái lần gặp gỡ đầu tiên ấy, anh còn nhớ sau phần giới thiệu qua lại và vài câu thăm hỏi xã giao, Thảo đã thốt lên: 'Bây giờ anh còn đang quen ai không, sao em đọc báo thấy nói anh đang quen với.... Em đọc tin nên hỏi cho vui chứ không có ý gì....' Đúng là thời điểm đó anh đang bị tai tiếng rất nhiều nhưng anh lại tin rằng 'tiếng lành đồn xa' nên chẳng buồn đính chính hoặc để ý tới. Tuy cũng có chút bất ngờ trước câu nói của Thảo, anh lại không hỏi gì thêm. Thôi thì lúc ấy Thảo nghĩ gì về anh, có lẽ phải đợi tự truyện của Thảo mới biết được.
|
"Anh cũng không thể ngờ, sau nhiều lần hôn nhân đổ vỡ, anh cuối cùng lại tìm thấy được hạnh phúc thật sự bên cạnh Thảo và Bồ Câu" - Đức An viết trong tự truyện. |
Trong suốt khoảng thời gian hẹn hò, lần nào gặp nhau đi ăn uống, Thảo cũng đều hoàn toàn không trang điểm và ăn mặc đơn giản. Da Thảo khi ấy còn hơi ngăm đen vì suốt ngày dang nắng đóng phim. Thảo lại thích mặc áo quần rộng y như rằng mua để trừ hao khi có bầu mặc luôn cho tiện. Trong khi đó hình ảnh Thảo trên mạng lại luôn hấp dẫn và quyến rũ vô cùng với những đôi giày cao gót và trang điểm đẹp lộng lẫy. Trong đầu anh khi ấy cũng muốn một Như Thảo như trong hình ở bên cạnh mình cơ. Những lúc anh chở Thảo đi đóng phim, đến phim trường 'lột xác' và chụp hình gửi anh xem, anh mê mẩn trước vẻ đẹp ấy, nhưng lúc anh đến đón về thì lại trở thành cô 'Cám', là cái tên anh gọi yêu như thế chứ hoàn toàn anh không nhớ chuyện cổ tích Tấm Cám là như thế nào. Anh cũng không hiểu mình đã yêu cái mộc mạc, giản dị của Thảo ấy tự lúc nào. Anh chỉ biết khi ở bên Thảo, anh cảm nhận được tình cảm chân thật từ chính phong cách sống tự nhiên thoải mái kia. Anh đã bị chinh phục bởi một cái gì đó rất thật, một cách nhẹ nhàng, không son phấn màu mè hay hào nhoáng bên ngoài. Vốn dĩ cuộc sống thực tế không bao giờ giống như truyện cổ tích hay phim ảnh nên những cái gì chân thật sẽ luôn mang đến cho con người sự gần gũi thoải mái nhất.
Bên cạnh kỷ niệm thuở ban đầu cùng những lần hẹn hò hay dỗi hờn với Phan Như Thảo, đại gia Đức An còn tiết lộ rằng mình từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Lúc đó anh chỉ biết lẳng lặng né tránh và cố gắng giữ cho bản thân bình tĩnh nhất.
Tình yêu thuở ban đầu lúc nào cũng đẹp nhưng khi kết hợp lại thì thực tế luôn có những vấn đề. Và khi có vấn đề xảy đến, quan trọng là cả hai phía biết cư xử như thế nào. Nhìn anh ai cũng nghĩ là người nhẹ nhàng nhưng thực tế anh lại rất cộc tính. Ngược lại, điều làm anh yêu nhất ở Thảo đó là cách cư xử khôn khéo và dịu dàng. Anh còn nhớ thời gian đầu mới yêu nhau, những lần anh và Thảo giận nhau, anh không thèm nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn và không gặp mặt. Sau này anh mới biết những lần như thế Thảo đã khóc hết nước mắt, cửa nhà luôn để mở cả đêm để chờ anh đến. Mỗi phụ nữ đều có cách trút cơn giận dữ khác nhau và anh thấy đa phần đều chọn cách âm thầm nằm ôm gối khóc rưng rưng như Thảo. Thế nhưng cũng có người chọn cách vũ lực hơn, họ la hét, đập bàn đập ghế, ném bát ném dĩa mà chính anh đã vài lần chứng kiến.
Ở bên Mỹ ngày xưa mấy người bạn anh hay kể những chuyện hài hước về bạo hành gia đình. Có ông dõng dạc bảo: 'Tôi mà về đến sân bay Tân Sơn Nhất, điều đầu tiên tôi làm là sẽ tát cho bà vợ một cái. Bà ấy mà hỏi tại sao thì tôi sẽ sung sướng trả lời rằng: 'Ở Mỹ tôi tát bà để cho cảnh sát còng tay tôi à'. Những câu chuyện vô thưởng vô phạt kể bên bàn tiệc kia tuy là hài hước nhưng cũng cho thấy việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em quan trọng như thế nào ở Mỹ. Chỉ cần người đàn ông đụng tay vào cơ thể người phụ nữ, cho dù không có chứng cớ hay dấu vết nhưng chỉ cần người phụ nữ khai bị chồng bạo hành, cũng đủ để người chồng bị còng tay mang đi. Anh là người chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Mỹ nên chẳng bao giờ anh có thể ra tay với một người phụ nữ nhưng không ngờ anh lại chính là nạn nhân của bạo hành gia đình. Chuyện xảy đến với anh tại một khách sạn ở Việt Nam. Ngày hôm đó, trong cơn ghen tuông cuồng nộ, anh đã bị ném đồ vào người. Những món đồ ấy nếu ném trúng cũng có thể gây thương tích nên anh đã lẳng lặng né tránh và cố gắng giữ bản thân mình bình tĩnh. Vậy mà sau đó người ta lại vu oan cho anh là kẻ bạo hành, kẻ quăng ném đồ đạc để cố tình gây hại người khác. Nếu câu chuyện vu khống ấy xảy ra tại Mỹ, biết đâu anh đã bị ngồi tù và có tiền án mất rồi. Cũng từ đó anh nhận ra rằng, người sống bên cạnh mình nhưng lúc nào cũng rắp tâm hại mình thì làm sao có thể ăn đời ở kiếp được.
|
"Ngày hôm đó, trong cơn ghen tuông cuồng nộ, anh đã bị ném đồ vào người. Những món đồ ấy nếu ném trúng cũng có thể gây thương tích nên anh đã lẳng lặng né tránh và cố gắng giữ bản thân mình bình tĩnh" - anh viết. |
Anh về hưu vào khoảng năm 1998. Tuy lúc đó anh chưa đến tuổi về hưu, anh ngộ ra rằng anh có cố gắng làm thêm thì cũng ăn tô phở như mọi người, cùng lắm anh gọi tô đặc biệt hơn, nhưng rồi cuộc sống rất ngắn ngủi, chẳng ai biết được ngày mai. Đúng như người ta thường nói, chết có mang tiền theo được đâu, nhưng anh luôn nghĩ khi còn trẻ mình phải xem sức lực và khả năng của mình đến đâu. Con người sống là phải biết phấn đấu và vươn lên bằng chính khả năng của mình, có thất bại thì cũng phải đứng dậy bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên tới một tuổi nào đó con người cũng phải biết dừng lại và anh đã dừng lại.
Anh có một người bạn tên Leo, hiện đang sống ở Los Angeles. Leo sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc trong một gia đình rất đông con và nghèo khổ. Leo kể những bữa ăn gia đình luôn không đủ cơm cho các con nên khi dọn cơm ra đứa nào nhanh tay mới có ăn, chậm tay là đói. Leo vốn chậm hơn nên thường xuyên bụng đói, lại còn bị mẹ đánh vì tội ăn chậm nên hết cơm. Một ngày Leo tự thề, mai mốt sẽ làm thật nhiều tiền để mua đầy thức ăn và ăn hoài không hết. Thế rồi Leo đã thực hiện đúng như lời thề và những lần hẹn nhau đi ăn với anh sau này, Leo và anh ăn hoài không hết.
Anh cũng có một lời thề tương tự. Năm qua Mỹ, anh chỉ mới 12 tuổi, nhưng dù nắng hay mưa, mỗi sáng đúng 5:00 giờ anh dậy đạp xe đi bỏ báo, đôi khi ngủ quên dậy trễ thì bố anh phải đi theo phụ anh một tay cho kịp 6:30 còn đến trường. Anh đi bỏ báo như thế mỗi ngày trong suốt gần 3 năm trời, để dành cũng được khá nhiều tiền đối với một đứa trẻ con lúc ấy nhưng anh lại tham hơn và anh muốn phải có nhiều hơn, nhiều đến độ tiêu xài không hết. Thế là anh đã thề, anh phải làm được thật nhiều tiền và năm lên đại học, anh thề sẽ thành triệu phú trong 10 năm. Anh nghĩ bất cứ ai có những lời thề từ thuở bé thì khi lớn lên cũng đều quyết tâm đeo đuổi lời thề đó bằng mọi cách để đạt được. Nhưng không phải ai cũng thực hiện lời thề của mình một cách tích cực. Anh và ông bạn Leo chọn cách kinh doanh chân chính nhưng anh cũng có người bạn khác chọn cách đến sòng bài ngồi đầu tư mỗi ngày. Anh ta tin là đã tìm được kẻ hở ở Las Vegas và có cách đánh bài bảo đảm thắng. Anh cũng mong bạn anh thành công với sự lựa chọn của mình dẫu biết rằng điều đó thật mong manh.
Cuộc đời anh không tham, không thèm muốn, không háo thắng nhưng anh lại rất quyết liệt, anh xem đó là tật xấu. Anh muốn có nhiều tiền, anh muốn anh phải đạt được những gì anh mơ ước, anh không ngại cực khổ. Anh nghĩ cuộc đời con người ai cũng phải cực, kẻ cực tay chân, người cực đầu óc. Người đời có câu, mình chọn nghề hay nghề chọn mình. Anh tự chọn nghề và hướng anh đi. Với anh, kinh doanh nào cũng phải có hy sinh và mạo hiểm. Quan trọng là bản thân mình sẽ hy sinh gì và cái mạo hiểm có gây ảnh hưởng đến mình hoặc người thân không? Anh luôn chọn sự mạo hiểm nào cho mình hạ cánh an toàn. Anh nhớ khi anh đổ dồn hết vào kinh doanh năm 89-90, anh hy sinh hết thời gian, tuổi trẻ chỉ để biết làm. Ngay cả khi phòng vệ sinh bị nghẹt, nhân viên lười hoặc trốn không làm, chính anh tự tay đi dọn dẹp. Với anh, làm chủ là làm công nên lau chùi dọn dẹp nhà vệ sinh cũng không ngoại lệ.
Những lúc đi tản bộ trên đường Nguyễn Huệ, anh thường nói với Thảo: 'Anh thấy phục những người bán nước uống hay đồ ăn bên đường.' Ngày nào anh cũng gặp những người trẻ tuổi nhưng rất chịu khó làm việc mưu sinh. Họ vừa bán vừa lo chạy trốn công an, nhưng họ không hề bỏ cuộc. Ở Mỹ tuy là đời sống văn minh hơn nhưng cũng có rất nhiều người phải lao động vất vả đêm ngày. Có những người phải đẩy xe đi bán cà rem hoặc những món ăn vặt giữa trưa nắng gắt không khác gì các gánh hàng rong ở Việt Nam. Anh thật sự ngưỡng mộ những người mưu sinh bằng chính sức lao động của mình như thế" - đại gia Đức An chia sẻ trong tự truyện.