Bụng mang dạ chửa ôm con chạy trốn khỏi chồng

Google News

“Chị thẩm phán ơi, cứu mẹ con em với, cho em được ly hôn với chồng…” – hình ảnh tả tơi trong nước mắt của người phụ nữ trẻ khiến vị thẩm phán hơn 20 năm trong nghề day dứt mãi.

Nguyễn Hoàng Vân Thương, tên người phụ nữ trẻ mới 23 tuổi, gương mặt thời xuân sắc khá ưa nhìn, duy chỉ có đôi mắt đen láy đẹp nhưng buồn đến nao lòng. Đến trước giờ tòa án làm việc, người mẹ trẻ ngồi cho con bú ở ghế đá góc sân tòa, trên gương mặt cô là những dòng nước mắt đang tuôn chảy, tiếng nức nở uất nghẹn cố kìm nén, khiến ai đi qua cũng ái ngại.
Khi thẩm phán vừa gọi đến tên mình, cô vội lau nước mắt ướt nhòe trên mặt, tay bế con, tay khoác túi bỉm sữa nhỏ đựng đồ của con để vào gặp thẩm phán. Câu đầu tiên và cũng nhiều lần cô nói trong những lần có mặt tại tòa án chỉ với lời khẩn cầu tha thiết: “Chị thẩm phán ơi, cứu mẹ con em với, cho em được ly hôn với chồng…”.
Bung mang da chua om con chay tron khoi chong
Ảnh minh họa. 
Chỉ trong 2 năm vợ chồng, không dưới 20 lần, mẹ con em phải bế nhau đi lánh nạn giữa đêm, rồi cả ban ngày mỗi khi bị chồng đuổi đánh. Ảnh minh họa
“Trong hoàn cảnh của người phụ nữ trẻ này, chị đang nuôi con dưới 1 tuổi, lại đang có bầu 5 tháng, chưa cần tìm hiểu, thì không một thẩm phán nào muốn giải quyết vụ án này thành công. Người phụ nữ bao giờ cũng chịu quá nhiều thiệt thòi khi ly hôn, nhưng trong hoàn cảnh này, đương sự nếu có ly hôn thành công, thì cũng phải gánh thêm quá nhiều thiệt thòi cho mình, cho cả con. Đó là điều mà chúng tôi đã phải xót xa, suy nghĩ rất nhiều để tâm sự, chia sẻ, khuyên bảo cả người vợ và chồng, chỉ mong họ đoàn tụ” – vị thẩm phán cho biết.
Trong lá đơn đơn phương ly hôn của đương sự, cô viết rất ngắn gọn, lý do muốn ly hôn, vì 2 vợ chồng không hợp nhau. Nay mỗi người một nơi, kẻ Nam, người Bắc, chồng cũng không muốn đoàn tụ nữa. Về nuôi con, Thương muốn nuôi con, vì con vẫn đang trong quá trình bú mẹ. Tài sản, Thương trình bày, không có tài sản.
Sau khi trấn tĩnh tâm lý, Thương giãi bày về chuyện muốn “thoát khỏi chồng”: “Vợ chồng em gần đây xảy ra mâu thuẫn rất nhiều, 2 người không có tiếng nói chung, luôn cãi nhau. Đỉnh điểm là lúc em mới sinh con được 3 tháng, chồng cũng đánh em thâm tím mặt mũi. Chồng chơi game cả ngày, không ngó ngàng đến vợ con. Anh ta còn rủ bạn bè về nhà nhậu khuya, sau đó còn đòi đi tăng 2, 3. Em năn nỉ chồng đừng đi, ở nhà vợ con nhỏ, còn lo dọn quán sá giúp vợ (vợ chồng mở quán giải khát nhỏ). Chồng sĩ diện bạn bè vì bị vợ ngăn cản, nên đuổi đánh vợ. 2 mẹ con em trốn trên lầu, anh ta còn tìm lên đánh. 2 mẹ con phải đi lánh nạn nhà hàng xóm, mới thoát được trận đòn hôm đó của chồng”.
Thương kể trong nước mắt: “Chỉ trong 2 năm vợ chồng, không dưới 20 lần, mẹ con em phải bế nhau đi lánh nạn giữa đêm, rồi cả ban ngày mỗi khi bị chồng đuổi đánh, nhưng em đều tha thứ cho chồng để quay về làm lụng việc nhà, vì con”.
Thương cho biết, anh ta ngoài nghiện game, còn hay đi chơi đêm nữa. Nhiều hôm đến 4h sáng mới về. Hễ em khó chịu, nói anh đừng đi chơi nữa, đều bị anh ta đuổi đánh. Lần nào mẹ con em đã xách túi đồ chạy ra cổng, anh ta cũng chửi với theo: “Tao muốn mày đi lâu lắm rồi”. “Có lần, em chạy lánh nạn về bên ngoại nửa tháng, chồng cũng không 1 lời hỏi thăm con”.
Đợt ấy, vợ chồng cứ tạm thời ly thân thì bà cố bên chồng mất, 2 mẹ con cô lại quay về để cùng chồng về quê nội. Trong thời gian đó, cô phát hiện có bầu lần 2. Cô báo cho chồng biết, nhưng anh ta im lặng. Xong việc tang ma cho bà cố, chồng lại bỏ nhà vào miền Nam, bảo đi kiếm việc làm. Mẹ con cô ở lại ngoài Bắc với ông nội. Mẹ chồng cô cũng vào Nam cùng với con trai, để trông cháu cho con gái lớn mới sinh. Chán nản, mẹ con cô lại bế nhau về nhà ngoại. Vì trong thời gian này, cô ốm nghén, rất mệt mỏi. Con nhỏ thiếu sữa luôn quấy khóc. Đã có lúc, cô nghĩ, giờ có đứa thứ 2 rồi, cũng muốn hàn gắn tình cảm vợ chồng cho con có bố, cố chăm nuôi 2 con, chờ chồng có việc làm, sẽ gửi thêm tiền về phụ giúp vợ nuôi con.
“Trong thời gian xa nhau 2 miền Nam – Bắc, đến nay gần 5 tháng, anh ta không một cuộc điện thoại hay tin nhắn hỏi thăm vợ con. Anh ta vô tâm đến tuyệt tình” – Thương kể. Mỗi lần không liên lạc được với chồng, cô chỉ biết gọi mẹ chồng để hỏi thăm, để bà nội nghe tiếng cháu… Bà thương mẹ con cô, bảo cô vào Sài Gòn đi làm, bà trông cháu giúp để vợ chồng, con cái có thời gian gần nhau hơn.
Tuy nhiên, khi hỏi chuyện vợ con sẽ vào trong Nam để đoàn tụ, anh ta nói giờ chuyện vợ con, tiền bạc làm anh ta đau đầu, nên không muốn nghĩ gì nữa. Nếu vợ con vào Sài Gòn, anh ta sẽ đi lao động ở nước ngoài, không muốn vợ con đeo bám. Cô động viên chồng, giờ 2 vợ chồng có 2 con rồi, sao mỗi người 1 nẻo, làm sao em nuôi nổi 2 con?. Anh ta bảo, ở với nhau chỉ cãi nhau, nên mỗi người 1 nơi cho lành. Cô nói, nhưng 2 con cần có cả bố và mẹ. Anh ta thản nhiên bảo: Con cái cũng không ép được. Giờ cô muốn về ngoại sống thì mỗi tháng tôi gửi ít tiền cho mà sinh đẻ. Còn cu lớn tôi mang vào Sài Gòn cho bà nội chăm giúp.
Nhiều lần, thẩm phán và thư ký toà điện thoại cho chồng Thương để mời ra Bắc giải quyết vụ ly hôn với vợ, hoặc chí ít cũng để hòa giải. Tuy nhiên, anh ta luôn lý do bận, không đủ kinh phí để ra Bắc. Nếu tòa án muốn thì cứ xử vắng mặt như ý của vợ anh ta, anh ta cũng không mong muốn hòa giải.
“Với sự lạnh lùng và tuyệt tình như anh chồng này, chúng tôi cũng khó hòa giải thành công. Tuy nhiên, việc con cái, anh ta không tranh giành. Nếu vợ nuôi được con lớn, thì anh ta đồng ý để vợ nuôi” – thẩm phán cho biết.
“Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, chúng tôi vẫn phải gặp anh chồng một lần, có thể chúng tôi phải vào Nam một chuyến, nếu anh ta không thể ra Bắc. Nhìn người phụ nữ trẻ bụng mang dạ chửa, ôm theo con nhỏ xin ly hôn, chúng tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, dù nhỏ nhất, để 3 mẹ con cô Thương bớt đi sự thiệt thòi, có cuộc sống bình yên, sau những năm tháng sóng gió vừa qua”.
Theo Thiên Cầm/PNVN

>> xem thêm

Bình luận(0)