Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Cụ thể, với các cơ sở mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022- 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương.
|
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết, yêu cầu các địa phương không tăng học phí năm học 2022-2023 (Ảnh: Toàn Vũ). |
Với địa phương đã quyết định tăng học phí năm học 2022-2023 trước đó, Chính phủ yêu cầu dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với học phí năm học 2021-2022.
Mức hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Quyết định trên được Chính phủ đưa ra nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân sau dịch Covid-19.
Với cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Chính phủ quy định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu năm ngoái theo Nghị định 81.
Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 quy định tại nghị định 81.
Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh, sinh viên.
Trước đó, 8 địa phương trên cả nước quyết định miễn học phí cho học sinh các cấp, gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Bình.