Chìm ca nô khiến 17 người chết: Động cơ thuyền trưởng tự ý tháo thiết bị?

Google News

Cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích của thuyền trưởng quay lại tháo thiết bị quan trọng trên ca nô sau khi lật chìm khiến 17 người chết.

Mới đây, trao đổi với báo chí, đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thông tin, Cơ quan điều tra đã thu hồi thiết bị vô tuyến mà ông Lê Sen (thuyền trưởng ca nô QNa 1152 chìm trên biển Cửa Đại khiến 17 người chết) tự ý tháo sau tai nạn chìm ca nô khiến 17 người chết.
Thuyền trưởng tự ý tháo thiết bị trên ca nô sau tai nạn
Theo đại tá Lai, ông Sen đã bơi ra và tự ý tháo thiết bị vô tuyến trên ca nô để đưa vào bờ. Khi lực lượng chức năng đưa ca nô gặp nạn vào bờ để giám định thì phát hiện các thiết bị trên tàu bị tháo ra.
Chim ca no khien 17 nguoi chet: Dong co thuyen truong tu y thao thiet bi?
Hình ảnh chiếc ca nô sau vụ tai nạn. 
"Lý do ông Sen tháo thiết bị này khỏi ca nô là vì sợ nước ngấm sẽ làm hư hỏng thiết bị. Ngay khi phát hiện thiết bị vô tuyến trên tàu bị tháo, chúng tôi đã yêu cầu ông Sen bàn giao để phục vụ cho công tác điều tra. Thiết bị gồm bộ đàm, thông tin liên lạc, ra đa và thiết bị định vị”, đại tá Lai nói và cho biết, sau vụ tai nạn, các thiết bị này bị ngấm nước biển, nên chúng tôi đang đề nghị các cơ quan có chuyên môn tiến hành trưng cầu giám định, khai thác thông tin trên thiết bị.
Trước đó, Cục Đường thủy nội địa cho biết, theo chứng nhận đăng kiểm, tàu cao tốc bị nạn QNa 1152 được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS (giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển). Tuy nhiên, ca nô gặp nạn không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên Trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu.
Ông Lê Minh Đạo – Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho biết, đây là các thiết bị "rất quan trọng" trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, thuyền trưởng đã quay lại ca nô bị nạn lấy thiết bị vô tuyến điện khỏi phương tiện. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an của địa phương để xử lý việc trên.
Có hay không hành vi che dấu tội phạm?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, để có căn cứ xác định nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường thủy lật ca nô khiến 17 người chết, phải đợi kết quả điều tra cửa cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, cần thiết phải trưng cầu giám định thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS trên ca nô để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hệ thống nhận dạng tự động AIS là một hệ thống thông tin an toàn hàng hải hoạt động trên băng tần VHF hàng hải dùng để nhận biết thông tin giữa phương tiện thủy có trang bị AIS và các đối tượng bên ngoài trong phạm vi phủ sóng VHF. AIS cho phép các phương tiện thủy chủ động chia sẻ các thông tin của mình với các phương tiện, Đài TTDH hoạt động trong khu vực lân cận, các trạm quản lý và giám sát tàu (VTS) và cơ quan quản lý hàng hải.
Hệ thống Quản lý và Giám sát tàu biển (VTS) sử dụng AIS sẽ góp phần hỗ trợ, phát huy hiệu quả trong một số hoạt động quản lý tàu của Cảng Vụ, đại lý tàu biển góp phần an toàn hàng hải.
Với hệ thống nhận dạng AIS, người dùng có thể theo dõi, quan sát hành trình tàu ra/vào cảng. Đồng thời có thể kiểm tra vị trí, tốc độ, hướng di chuyển,…của bất kỳ tàu nào xuất hiện trên bản đồ, nhờ đó mà có thể kịp thời điều hành, quyết định chính xác tàu ra/vào cảng, hạn chế tối đa các va chạm trên biển.
Do đó, luật sư Thơm cho rằng, thông tin AIS thu được là rất quan trọng cho điều tra tai nạn vì nó cung cấp dữ liệu chính xác về thời gian, nhận dạng, vị trí theo bản đồ GPS, định hướng la bàn, khoảng cách với đáy biển, tốc độ (log/SOG), và tần suất đổi hướng.
Nắm đầy đủ thông tin về hệ thống VTS sử dụng AIS giúp thuyền trưởng chủ động trong hoạt động điều động tàu, nâng cao công tác bảo đảm an toàn hàng hải. Đồng thời giúp người quản lý chủ động trong công tác giám sát thông tin tàu, chủ động điều chỉnh kế hoạch hoạt động các phương tiện trên biển đạt hiệu quả cao, nâng cao chất lượng phục vụ, an toàn và phát triển.
Như vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của chứng cứ vật chất thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS để xác định nguyên nhân cano bị chìm làm 17 người tử vong có lỗi của người điều khiển phương tiện hay không hay do rủi ro.
Theo luật sư Thơm, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích của thuyền trưởng quay lại tháo thiết bị quan trọng này. Bởi lẽ, thiết bị hành trình sẽ làm rõ được lái tàu có tuân thủ đúng tốc độ di chuyển cho phép, có đi đúng luồng quy định hay không.
Trong trường hợp có căn cứ xác định, lái tàu không tuân thủ đúng các quy tắc giao thông đường thủy, đi quá tốc độ cho phép hoặc đi không đúng luồng phân cách trên tuyến theo quy định là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cano bị lật làm 17 người tử vong sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 272 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm.
Cơ quan điều tra cũng cần xem xét đến việc cho phép ca nô hoạt động trong điều kiện thời tiết như vậy có đúng quy định hay không. Nếu có vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự.
Ca nô gặp nạn ở Cửa Đại không truyền dữ liệu giám sát hành trình từ cuối năm 2020
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, tàu cao tốc chở khách du lịch Phương Đông 05 mang biển số QNa-1152 bị nạn ngày 26/2 trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm được cấp chứng nhận đăng kiểm ngày 19/1/2022 và có thời hạn đến 19/1/2023.
Nội dung giấy chứng nhận đăng kiểm thể hiện phương tiện có lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS ghi hành trình, tốc độ tàu chạy. Tuy nhiên, trước và tại thời điểm xảy phương tiện trên bị tai nạn (chiều 26/2), hệ thống nhận thu phát dữ liệu tự động không nhận được dữ liệu của tàu này.
Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) cho hay, thông tin cuối cùng về thiết bị AIS của tàu Phương Đông 5 được tiếp nhận là thời điểm 9h19 ngày 4/12/2020, từ đó đến nay hoàn toàn không có thông tin.
Việc thiết bị AIS không hoạt động theo Cục Đường thủy là không đúng quy định. Bởi, Thông tư 17/2018 của Bộ GTVT quy định, chủ phương tiện và thuyền trưởng có trách nhiệm duy trì hoạt động của thiết bị AIS lắp đặt trên tàu thuyền theo chế độ 24/7 để truyền phát bản tin AIS theo đúng chức năng thiết kế của thiết bị…
"Thời điểm tai nạn, các phương tiện khác hoạt động chở khách trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm đều có lưu dữ liệu hành trình, riêng tàu Phương Đông 05 không nhận được dữ liệu. Do thiết bị AIS không hoạt động nên về nguyên tắc không biết được tốc độ tàu chạy khi xảy ra tai nạn", đại diện Cục Đường thuỷ nội đại cho biết.
Trước đó, khoảng hơn 14h ngày 26/2 vừa qua, tàu khách cao tốc của Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Phương Đông, biển kiểm soát QNa-1152 do ông Lê Sen làm thuyền trưởng đang vận chuyển khách từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại thì bị lật, trên cano có 36 hành khách và 3 thuyền viên. Lực lượng chức năng đã cứu được 22 người và 17 người tử vong. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ lật cano ở Hội An:

Nguồn: VTV 24


 
 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)