Theo đó, thí sinh Đà Nẵng, một số địa bàn của Quảng Nam và các thí sinh thuộc đối tượng F1, F2 sẽ thi vào đợt 2. Điều này đồng nghĩa, các trường đại học sẽ phải có các phương án tuyển sinh đối với các em thuộc khu vực này nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, tránh bị bỏ lại phía sau.
|
Các trường đại học có các phương án tuyển sinh phù hợp với giai đoạn dịch bệnh. |
Theo thí sinh Nguyễn Văn Toàn (Đà Nẵng), vì thuộc diện thi đợt hai nên em lo sẽ gặp tình trạng các trường đã lấy đủ chỉ tiêu nên thí sinh thi sau sẽ bị thiệt thòi không được xét tuyển hoặc chỉ xét ở dạng “vớt” dẫn đến ảnh hưởng tương lai sau này.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, hiện nay các trường đại học về cơ bản đang xây dựng các phương án tuyển sinh phù hợp với thực tế của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT đề ra.
Trong đó, nhiều trường ngoài xét tuyển thí sinh đợt một cũng dành các chỉ tiêu cho đợt hai đối với các thí sinh khu vực miền Trung và các thí sinh thuộc diện F1, F2. Các trường cũng có sự sàng lọc hồ sơ, cân đối nhóm thí sinh dự tuyển, khả năng thí sinh đạt tiêu chuẩn vào trường để xây dựng các kế hoạch đảm bảo đủ chỉ tiêu cũng như học tập muộn hơn của các thí sinh này.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay, trước kế hoạch thi làm hai đợt, trường đã có các biện pháp như thống kê thí sinh của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đăng ký vào trường để chia chỉ tiêu đợt 2 cho phù hợp.
Theo thống kê, trường có khoảng 20.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó số thí sinh từ Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ hơn 500 nguyện vọng. Do vậy, chỉ tiêu cho đợt 2 sẽ căn cứ vào tỷ lệ nguyện vọng sau khi thí sinh có điểm và điều chỉnh nguyện vọng.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho biết, nếu phương án thi này được áp dụng, Trường sẽ căn cứ vào tỉ lệ các vùng tuyển sinh của nhà trường để dành chỉ tiêu cho những thí sinh thuộc vùng phải thi đợt 2.
“Cụ thể, nếu chỉ có 2 địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam nằm trong danh sách thi đợt hai thì sẽ không ảnh hưởng nhiều do đây không phải vùng tuyển sinh của nhà trường. Chúng tôi sẽ rà soát lại vùng tuyển sinh, thống kê và sẵn sàng bớt lại phần chỉ tiêu phù hợp để tuyển sinh riêng, tránh thiệt thòi cho thí sinh ở các vùng đó”.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, trường sẽ không thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh tuy nhiên sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển từng địa phương hằng năm, số liệu đăng ký dự thi năm nay của thí sinh để “dành” chỉ tiêu cho những thí sinh vùng dịch phải thi đợt sau.
Với tình hình hiện tại chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam phải thi đợt 2, qua dữ liệu tuyển sinh các năm cho thấy số lượng thí sinh ở thành phố này trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất ít nên không ảnh hưởng nhiều.
Còn GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin, các trường ĐH đều có cơ sở dữ liệu, có thể phân tích và dự báo số lượng thí sinh trúng tuyển cho từng địa phương. Dựa trên số liệu đó, các trường có thể tuyển sinh và để lại cơ số dự phòng.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết dù hình thức thi như thế nào, nguyên tắc của nhà trường vẫn là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án thi này, bởi việc chia theo đợt sẽ đảm bảo an toàn cho mọi thí sinh. Trong trường hợp phải thi 2 đợt hay thậm chí 3 đợt, chúng tôi sẽ phân chia chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể dựa trên số lượng thí sinh dự thi của từng đợt. Xong đợt nào, nhà trường sẽ xét tuyển đợt ấy. Điều này không có gì quá khó khăn, phức tạp”.
Tuy nhiên, trước sợ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều trường cũng cho hay vẫn phải tính toán đến các tình huống như nếu thời điểm thi đợt 2 diễn ra trễ quá thì các lịch tuyển sinh, khai giảng hay kế hoạch học tập của trường và sinh viên phải thay đổi.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video: Bluezone ứng dụng truy dấu Covid-19 đạt 2 triệu lượt tải