“Tôi cố gắng kiềm lòng khi đang điều phối hoạt động cấp cứu tại hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza để giải quyết mọi việc nhanh chóng, tránh phát sinh những điều không hay. Tuy nhiên, khi đã hoàn thành công việc, tôi lặng người và muốn khóc khi nhớ lại những hình ảnh quá đau thương” – Điều dưỡng Nguyễn Châu Sơn (52 tuổi), trưởng nhóm ca cấp cứu thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, trải lòng.
Hướng dẫn cách thoát chết qua điện thoại
Khoảng 1 giờ 40 phút ngày 23/3, năm chiếc điện thoại tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đồng loạt reo. Ông Sơn kề điện thoại sát tai và nghe giọng hốt hoảng của một phụ nữ: “Cháy, cháy ở chung cư Carina quận 8 rồi các anh ơi. Cả nhà tôi sắp chết, các anh đến cứu nhanh lên”.
Ông Sơn bảo người phụ nữ chờ chút rồi nhanh chóng điều động tổ cấp cứu ba người đến hiện trường.
|
Ông Nguyễn Châu Sơn kể lại những câu chuyện cấp cứu vụ cháy chung cư Carina. Ảnh: TR. NGỌC |
Tiếp theo, ông gọi điện cho bệnh viện (BV) quận 6, BV quận 8, BV Nguyễn Tri Phương và trạm cấp cứu vệ tinh 115 BV Triều An đến địa điểm cháy để phối hợp cấp cứu.
“Sau đó, tôi cầm điện thoại hướng dẫn người phụ nữ lấy khăn nhúng nước rồi bịt vô mũi để tránh nghẹt khói. Tiếp theo, tôi nói người phụ nữ tìm miếng vải trắng sáng hoặc đèn pin, hoặc cầm điện thoại có đèn pin rồi di chuyển ra hướng thông thoáng. Ra được đây thì quơ miếng vải hoặc rọi đèn pin để lực lượng cứu hộ, cứu nạn thấy và giải cứu. Sau khi cúp máy, tôi bồn chồn và tự hỏi liệu gia đình người phụ nữ này có thoát nạn không” – ông Sơn kể lại.
Đau lòng người phụ nữ mất cánh tay
“Nhân viên cấp cứu 115 phân loại những trường hợp cần chuyển viện vừa nhanh vừa chính xác. Người nào suy hô hấp và phỏng nặng thì nhanh chóng được chuyển tới các BV. Các xe cấp cứu hầu như di chuyển liên tục vì nạn nhân quá nhiều. Trong số này có một phụ nữ mang thai gần ngày sinh. Sau khi chuyển chị này tới BV Hùng Vương, chúng tôi cầu mong đứa bé sinh ra được khỏe mạnh”, ông Sơn tỏ lòng.
|
Các nạn nhân trong vụ cháy đang được cấp cứu tại BV. Ảnh: TR. NGỌC |
Khoảng 2 giờ 30 cùng ngày, cảnh sát cứu hộ cứu nạn đưa ra ngoài cái xác đầu tiên. Ông Sơn cùng nhân viên cấp cứu 115 đưa xác lên xe cứu thương.
Vài phút sau, thêm ba xác lần lượt được mang ra ngoài rồi đặt lên xe. Trong đó có xác một cháu bé chừng sáu tuổi. Cả bốn người không may mắn này được chở tới nhà đại thể của BV Nguyễn Tri Phương.
“Nhìn những xác chết cháy đen không ai không não ruột. Mọi người cầu mong không còn người chết. Thế nhưng không lâu sau, những xác chết tiếp tục được cảnh sát cứu hộ cứu nạn mang ra ngoài. Có một cháu bé độ hai tuổi cháy đen nhưng còn thoi thóp, nhân viên cấp cứu 115 nhanh chóng hồi sức tích cực bằng cách bóp bóng, nhồi tim… Tuy nhiên, khoảng hai phút sau, cháu bé nín thở hoàn toàn. Người cha độ 32 tuổi ôm đầu khóc nấc. Cháu bé được đưa lên xe để chở về Trung tâm Pháp y TP.HCM, người cha nằng nặc đòi theo. Mặc dù không cầm lòng trước cảnh tượng đau thương này nhưng tôi không thể để người cha lên xe”, ông Sơn bùi ngùi.
Hơn 4 giờ cùng ngày, 12 xác chết được chở tới BV Nguyễn Tri Phương và Trung tâm Pháp y TP.HCM. Trong đó có 11 người chết do cháy và một người chết do chấn thương.
“Trường hợp chết do chấn thương rất đau lòng. Nạn nhân là nữ, trên 50 tuổi. Chị này cố gắng đu thang dây để thoát nạn nhưng bị té xuống đất và chết. Trong lúc chờ xe cứu thương đưa tới BV, xác chị này được dân lấy chiếu đậy lại. Khi nhân viên cấp cứu 115 đưa xác người phụ nữ lên xe, một cách tay bất ngờ rơi ra nhưng không ai biết. Sau khi phát hiện điều này, một nhân viên cấp cứu 115 quay lại chỗ cũ nhặt cánh tay và gắn vào người chị. Thật là đau xót”, ông Sơn buồn buồn nói.
Không giành thở ô xy, nhường nguồn sống cho người già
Hơn năm phút sau, tổ cấp cứu gọi về trung tâm 115 đề nghị tăng cường nhân sự hỗ trợ vì đám cháy quá lớn, nhiều người hỗn loạn. Nhanh chóng, ông Sơn cùng hai nhân viên cấp cứu 115 lên xe ra hiện trường. “Tôi tới nơi thì thấy bốn xe của các BV quận 6, quận 8, Triều An, Nguyễn Tri Phương có mặt. Do là người chịu trách nhiệm điều phối hoạt động cấp cứu nên tôi chia sáu xe thành hai nhánh để thuận lợi cho việc cấp cứu”, ông Sơn cho biết thêm.
Tình hình lúc đó thật hỗn loạn. Đám đông từ chung cư liên tục ùa ra ngoài, vừa chạy vừa la hoảng. Trong đó, có không ít người rơi vào tình trạng khó thở. “Mỗi xe cấp cứu đều trang bị từ 6-7 bình thở ô xy. Nhân viên cấp cứu nhanh chóng lần lượt đưa từng người lên xe rồi cho thở ô xy. Có điều đáng nói, mặc dù số người nghẹt thở rất đông nhưng không ai tranh giành để được thở ô xy trước mà chờ đến lượt. Đây có lẽ là hình ảnh xúc động mà tôi chứng kiến được”, ông Sơn chia sẻ.
“Không chỉ thế, khi xe thang của lực lượng cảnh sát cứu hộ cứu nạn đưa những người từ trên lầu xuống đất, tôi thấy trẻ em, người già và phụ nữ xuống trước, còn đàn ông thanh niên xuống sau. Có lẽ trong cái chết cận kề, nam giới đã nhường cái sống cho người già, trẻ em và phụ nữ. Hình ảnh này tôi nhớ mãi”, ông Sơn xúc động.
“Thấy không ít người bịt mũi bằng khăn ướt, tay cầm đèn pin bật sáng, tôi thầm hy vọng trong số đó có người phụ nữ đã gọi điện thoại đến trung tâm 115 và được tôi hướng dẫn cách thoát nạn”, ông Sơn nói.