Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm nhiều lần tham mưu không đúng?
Mới đây, UBND quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đã ban hành văn bản 170 trả lời đơn đề nghị của người dân phường Thụỵ Phương liên quan đến đề nghị xem xét xử lý kỷ luật và kiểm điểm việc thực hiện các kết luận của UBND TP Hà Nội đối với bà Hoàng Thị Thuỷ - Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm.
Bà Hoàng Thị Thủy bị người dân phản ánh do có trách nhiệm trong việc tham mưu Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành một số kết luận thanh tra nội dung tố cáo của công dân sai quy định.
Theo đó, vào năm 2016, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kết luận, trong đó nêu rõ, nội dung tố cáo của công dân đối với ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu là không có cơ sở.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, UBND TP Hà Nội đã kết luận về việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân phường Thuỵ Phương, trong đó nêu việc công dân tố cáo ông Đỗ Mạnh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm bao che cho ông Lê Văn Việt (Chủ tịch UBND phường Tây Tựu) là có cơ sở.
|
Trụ sở UBND quận Bắc Từ Liêm. |
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan có vi phạm trong việc giao đất nông nghiệp, bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp cho người dân. Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan về những tồn tại, thiếu sót nêu tại các phần kết quả xác minh.
Tuy nhiên, UBND Thành phố Hà Nội không chỉ đạo kiểm điểm đối với bà Hoàng Thị Thuỷ -Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm, do đó, theo UBND quận Bắc Từ Liêm không có căn cứ xem xét, kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với bà Thuỷ.
Cũng trong năm 2016, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ký kết luận thanh tra, cho rằng nội dung tố cáo của công dân đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo xã Minh Khai là sai. Tuy nhiên đến năm 2019, UBND TP Hà Nội kết luận “nội dung công dân tố cáo là đúng”. Liên quan vụ việc này, Thanh tra Quận Bắc Từ Liêm chỉ tổ chức hôi nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bà Hoàng Thị Thuỷ và bà Trần Thị Hồng Hải - thanh tra viên.
Một vụ việc khác, vào tháng 7/2018, UBND quận Bắc Từ Liêm có kết luận thanh tra cho rằng nội dung công dân tố cáo Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc là sai nhưng đến tháng 3/2019, UBND thành phố Hà Nội kết luận nội dung công dân tố cáo là đúng.
Đến tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội tiếp tục có kết luận, trong đó cho rằng việc Thanh tra quận Bắc Từ Liêm tham mưu Chủ tịch UBND quận này giải quyết tố cáo của người dân không kết luận cụ thể 2 nội dung là thiếu sót. Trách nhiệm thuộc về Thanh tra quận Bắc Từ Liêm và có trách nhiệm của ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thủy sau đó cũng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Vì sao Chánh thanh tra quận Bắc Từ Liêm không bị kỷ luật?
Những nội dung trên cho thấy việc bà Hoàng Thị Thuỷ - Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm nhiều lần tham mưu cho lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành kết luận thanh tra vụ việc người dân tố cáo không đúng. Tuy nhiên, Chánh Thanh tra quận này không bị kỷ luật mà chỉ phải kiểm điểm rút kinh nghiệm khiến dư luận băn khoăn và cho rằng chưa thỏa đáng.
Thực tế, người tham mưu có vai trò rất quan trọng. Nếu người tham mưu ở vụ việc này là Thanh tra quận Bắc Từ Liêm làm đúng chức trách, có đủ năng lực, trình độ sẽ không để xảy ra việc Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành một số kết luận thanh tra nội dung tố cáo của công dân sai quy định. Để xảy ra việc Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm nhiều lần ban hành kết luận thanh tra nội dung tố cáo của công dân có sai sót, UBND TP Hà Nội nhiều lần phải bác bỏ khiến người dân đặt câu hỏi về bộ phận tham mưu non kém trình độ? Đồng thời, việc tham mưu sai nhưng không bị kỷ luật khiến dư luận đặt câu hỏi, Chủ tịch quận Bắc Từ có bao che, ưu ái cho nữ Chánh Thanh tra của quận hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp việc cho lãnh đạo UBND trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và thực hiện một số chức năng nhiệm vụ của cơ quan thanh tra. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, nhân viên thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà cán bộ thanh tra có vi phạm, tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật. Còn việc cán bộ thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ, có thể là “ngồi nhầm ghế” hoặc có yếu tố tác động từ các chủ thể khác dẫn đến các hành vi công vụ bị sai lệch.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, trường hợp cán bộ thanh tra liên tục có những kiến nghị, đề xuất sai trái đối với cán bộ lãnh đạo dẫn đến kết quả giải quyết vụ việc không đúng pháp luật, trước tiên phải xem xét lại năng lực trình độ của cán bộ này, xem lại chuyên môn nghiệp vụ xem có phù hợp với vị trí hay không.
“Nếu vấn đề nằm ở chính độ nghiệp vụ, năng lực cán bộ, cần xem xét trách nhiệm của người đã bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ này về giữ chức vụ đó và xem xét trách nhiệm của cơ quan này trong việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ. Nói cách khác, nếu bộ phận chuyên môn giúp việc yếu kém thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người sử dụng con người đó không đúng năng lực trình độ, không phù hợp với vị trí công tác” – luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường cho rằng, để một vị lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo chỉ đạo tốt công việc, phải có những bộ phận giúp việc chuyên nghiệp, tinh nhuệ, tâm huyết và có đạo đức. Trường hợp cán bộ lãnh đạo sử dụng người không hợp lý, không hiệu quả thì chắc chắn kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ không khả quan.
Bởi vậy, để thành công trong công tác quản lý thì công tác cán bộ là hết sức quan trọng. Có trường hợp cán bộ cấp dưới vì yếu tố khách quan, do bị tác động bị ảnh hưởng từ các yếu tố khác dẫn đến việc thực hiện công vụ sai, cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
“Trong vụ việc này để xử lý kỷ luật vì cán bộ này, cơ quan chức năng cần chỉ ra vị cán bộ này đã sai phạm quy định nào của đảng, của nhà nước về công tác cán bộ. Nếu là do chuyên môn nghiệp vụ, không có lỗi chủ quan, không có hành vi vi phạm luật cán bộ công chức, luật viên chức, không vi phạm điều lệ đảng thì không thể xem xét xử lý kỷ luật mà chỉ có thể chuyển vị trí công tác sang vị trí khác phù hợp hơn”- luật sư Cường cho hay.
Đồng thời, theo luật sư Cường, nếu hành vi của cán bộ, công chức, viên chức là sai phạm, vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bị xử lý kỷ luật có thể là kỷ luật đảng, kỷ luật cán bộ công chức, viên chức.
Do đó, trong trường hợp phát hiện ra cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có sai phạm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, đối chiếu với quy định của điều lệ đảng đối với quy định của luật cán bộ công chức, luật viên chức để xem xét hành vi có vi phạm các quy định này hay không, nếu có thì mức độ vi phạm đến đâu để áp dụng những hình thức kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật. Còn đối với hành vi sai phạm là hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý tùy từng trường hợp cụ thể.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thái Bình: Một cán bộ tư pháp bị hành hung sau khi tố cáo cấp trên
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.