Chặn tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe

Google News

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe là cần thiết, nhất là sau hàng loạt sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm được phanh phui.

Bộ GTVT vừa gửi văn bản đến Cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương, đề nghị phối hợp triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Cùng với nhiều biện pháp quản lý, giám sát được đưa ra, như giao Cục Đường bộ và các sở giao thông vận tải tổ chức thanh tra, Bộ GTVT thành lập ba đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chan tham nhung, tieu cuc trong dao tao, sat hach lai xe
 Ảnh minh họa.
Những động thái này nhằm phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực. Kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục.
Thời gian qua, để phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực này, các giải pháp công nghệ đã được áp dụng để giám sát chặt quá trình đào tạo và sát hạch lái xe ô tô. Tuy nhiên, dấu hiệu tiêu cực tại các trung tâm đào tạo, cấp giấy phép lái xe không còn là tiềm ẩn mà vẫn tồn tại trong thực tế.
Anh Bùi Văn Tú – một người dân thi sát hạch lái xe trong năm 2022 cho biết, còn nhiều vấn nạn tồn tại ở cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Theo anh Tú, khi sát hạch lý thuyết lái xe, một số học viên có kiến thức chưa tốt, khi học sẽ được giáo viên ghép với học viên giỏi và số tiền ghép lên đến 500.000 đồng. Khi thực hành, để có được xe “ngon”, học viên tiếp tục phải mất 300.000 đồng cho cán bộ trung tâm để sắp xe...
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cũng phản ánh một số tồn tại trong hoạt động đào tạo, cấp giấy phép lái xe ô tô như tình trạng bao đậu trong thi bằng lái, thậm chí cử người nấp nhiều vị trí hô cho học viên biết lái xe theo chỉ đạo khi thi sát hạch…
Mới đây, trong vụ án xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan điều tra đã phát hiện Trung tâm đào đạo, sát hạch lái xe Thành Công có mối liên quan đến hành vi vi phạm của Trung tâm đăng kiểm 50-17D trong việc đăng kiểm cho khoảng 120 phương tiện giao thông xe ô tô không đảm bảo tiêu chuẩn, đưa vào hoạt động dạy lái xe.
Cách đây vài năm, báo chí cũng phản ảnh hiện tượng hàng chục người xã Ia Khai (huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã vượt hơn nghìn km ra Hải Phòng học và thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô…chỉ vì học “ngoài đó dễ hơn”.
Công tác đào tạo, sát hạch lái xe có ảnh hưởng lớn đến xã hội, trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và luôn tiềm ẩn vấn đề có thể xảy ra tiêu cực. Do đó việc Bộ GTVT thể hiện những hành động quyết liệt nhằm siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe được cho rằng vô cùng cần thiết.
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, các quy định về đào tạo, cấp phép lái xe hiện rất cụ thể, được quy định thành luật, mọi người dân và cơ quan liên quan đào tạo, sát hạch lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định đó.
Tuy nhiên, lâu nay việc làm không nghiêm túc từ cả hai phía người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều tồn tại tại các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe diễn ra từ lâu, kéo dài, bây giờ mới siết chặt, thanh, kiểm tra là hơi muộn. Bộ GTVT cũng cần phải thấy rõ vai trò của mình chưa kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này.
Theo ông Liên, đào tạo, sát hạch lái xe có rất nhiều đơn vị tham gia, có cả thành phần của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên vẫn có thực trạng nhốn nháo và thành căn bệnh xã hội. Thanh tra, kiểm tra cũng chỉ là phần ngọn, quan trọng phải rà soát lại việc cấp phép lái xe thời gian qua có đúng hay không, thậm chí điều tra xem việc cấp phép lái xe trên toàn quốc thời gian qua có sai phạm hay không?
Thực tế, ngay tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, ngoài việc người dân thực hiện nghiêm chỉnh vẫn tồn tại các dịch vụ cấp bằng lái xe, thậm chí hình thành cả tổ chức. Học viên chỉ cần căn cước công dân, các thủ tục còn lại, người làm dịch vụ lo hết với thời gian rất nhanh chóng. Những tồn tại này có nguyên nhân từ 2 phía: Vi phạm của người dân và tồn tại dịch vụ cấp phép lái xe trong xã hội.
Bộ GTVT siết chặt là việc làm tích cực, song cần những giải pháp từ gốc, có nghĩa từ các dịch vụ lái xe chở đi để việc cấp phép được thực hiện nghiêm túc với các quy định hết sức cụ thể.
Đằng sau công tác cấp phép lái xe là tính mạng của hàng nghìn người tham gia giao thông nên cần phải rất chặt chẽ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Gia tăng đột biến người xin cấp đổi Giấy phép lái xe sau Nghị định 100 có hiệu lực

Nguồn video: TTV

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)