Những ngày qua, báo chí và dư luận đã mất nhiều công sức để đi tìm sự thật về người cha nuôi hai con teo não. Trước đó, trong chương trình Hát mãi ước mơ phát sóng vào ngày 10/5, phóng sự đầu chương trình có đoạn anh Nghị chia sẻ: "Con tật nguyền mà còn đòi bỏ. Mẹ bỏ rồi, cha bỏ nữa để đi làm cho cuộc sống mình vui vẻ, thì chắc gì vui vẻ hơn".
Ngay sau đó, những nhà hảo tâm và mạnh thường quân đã tìm đến cha con anh Nghị để chia sẻ giúp đỡ. Nhưng sự giúp đỡ càng nhiều bao nhiêu thì sự trách móc, phỉ báng về người đàn bà, người phụ nữ, người mẹ của hai cháu bé càng tăng lên bấy nhiêu. Chị vợ đã không chịu nổi búa rìu dư luận nên đã lên tiếng.
|
Gia đình anh Đặng Hữu Nghị. |
Cuối cùng, trong chiều 18/5, anh Đặng Hữu Nghị đã phải thanh minh cho vợ cũng như gửi lời xin lỗi vợ và các mạnh thường quân. "Tôi thất học, nên không biết nói như vậy về vợ là không tốt. Tôi mong dư luận có cái nhìn lại vợ tôi, người không hề bỏ con. Tôi xin lỗi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm".
Vậy là, sự thật cũng được phơi bày. Và để mọi chuyện đến cơ sự như hôm nay, anh Nghị thừa nhận là do lỗi nhận thức của mình. Có thể anh ta thấy rằng, từ hoàn cảnh của mình chỉ cần tô vẽ vài điểm cho thêm bi thương mà kiếm được thêm tiền, lay động được lòng trắc ẩn của nhiều người khác mà chẳng chết ai nên cứ làm. Anh Nghị còn có một chỗ dựa vững chắc nữa chính là truyền thông. Truyền thông đã giúp cho hoàn cảnh của cha con anh được nhiều người biết đến và anh cũng nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ, cảm thông của cộng đồng.
Trong câu chuyện này, anh Nghị vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Đáng trách vì anh đã thêu dệt cuộc đời mình một cách bi đát để kiếm tìm lòng thương, đem con tàn tật để mưu sinh, bán danh dự của vợ để có sự thương hại. Nhưng anh cũng thật đáng thương vì cha con anh đang thực sự bất hạnh, gia cảnh của anh cũng thật éo le.
Sau tất cả, người đáng trách hơn nữa chính là phóng viên, nhà báo, ê kíp thực hiện chương trình đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, mới nghe một chiều, không tìm hiểu kỹ bản chất sự việc. Từ một câu chuyện được phán ảnh chưa đúng bản chất đã khiến xã hội đảo điên, người được tung hô, che chở; kẻ thì bị nhiếc móc, xúc phạm. Đáng buồn hơn là niềm tin xã hội bị lung lay. Nhiều người có lòng tốt cũng cảm thấy mông lung, lo lắng, vì giờ muốn làm việc tốt cũng khó quá bởi lòng tốt đã bị người khác lợi dụng.
Chúng ta cũng đã từng chứng kiến những câu chuyện lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả trong một số chương trình truyền hình thực tế. Nhưng cuối cùng những gì xuất hiện trên màn hình mới chỉ là một nửa sự thật.
Người cha nuôi hai con bị teo não, do nhận thức đã trượt dài theo lời nói dối. Nhưng nguyên do của mọi việc xuất phát từ trách nhiệm của người làm truyền thông. Nghề nào cũng có những tai nạn và không ai nói trước được mình sẽ không bao giờ gặp những tai nạn ấy. Giá như, chỉ cần một cuộc điện thoại xác minh lại câu chuyện của anh Nghị trước khi được phát sóng thì mọi chuyện đã khác./.