Cây rừng chết khô vì khí thải Cty Trúc Thôn: Sở TNMT Hải Dương nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Nói về việc người dân phản ánh tình trạng cây rừng trồng chết khô vì khí thải từ hoạt động của nhà máy gạch, Công ty Trúc Thôn, đại diện Sở TM&MT Hải Dương cho biết đã nắm được thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, sở chỉ kiểm tra khi có thông tin phản ánh đến đường dây nóng của sở hoặc đơn thư, ý kiến...

Liên quan sự việc người dân phường Cộng Hòa (TP Chí Linh, Hải Dương) phản ánh tình trạng rừng keo gần nhà máy sản xuất gạch của Công ty Cổ phần Trúc Thôn chết khô do ảnh hưởng từ khói thải của nhà máy, PV Kiến Thức đã làm việc với đại diện Sở TN&MT tỉnh Hải Dương để làm rõ công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của Công ty CP Trúc Thôn.
Cay rung chet kho vi khi thai Cty Truc Thon: So TNMT Hai Duong noi gi?
Cây rừng trồng có tuổi đời trên dưới chục năm bị chết khô.  
Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường được lãnh đạo Sở TN&MT Hải Dương cử làm việc với PV cho biết, đã nắm được thông tin qua báo chí phản ánh.
“Ở góc độ quản lý nhà nước, khi có thông tin phản ánh đến Sở qua đường dây nóng, đơn thư, ý kiến, sở sẽ thành lập đoàn xuống kiểm tra xác minh cụ thể” – vị đại diện Chi cục bảo vệ môi trường cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, dự án mở rộng dây chuyền sản xuất gạch ốp lát Grannite cao cấp của Công ty Cổ phần Trúc Thôn đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ năm 2018.
Tháng 3/2020, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã có thông báo 565 về kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải để vận hành thử nghiệm. Đáng chú ý, theo thông báo, các chỉ số về bảo vệ môi trường của nhà máy này đều rất... “đẹp”.
Theo đó, đối với hệ thống xử lý bụi, khí thải của dự án này thông báo của Sở TN&MT Hải Dương nêu rõ, các công trình xử lý bụi, khí thải đã hoàn thành theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, đã đầy đủ hồ sơ hoàn công, công trình được bàn giao, nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy trình vận hành đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
Cụ thể, hệ thống lọc bụi tay áo tại các khu vực sản xuất, khu vực nghiền liệu, khu vực máy ép, khu vực nghiền men, tráng men, mài cạnh. Hệ thống cyclo lọc bụi tại khu vực sấy phun, tầng sôi, trạm than hòa khí lạnh; hệ thống quạt công nghiệp và máy điều hòa khu vực sản xuất, văn phòng.
Ngoài ra theo thông báo, các hệ thống xử lý nước thải,, lưu giữ chất thải nguy hại, quản lý chất thải khác, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường đều đẩy đủ hồ sơ, được bàn giao, nghiệm thu theo quy định...
Từ đó, Sở TN&MT Hải Dương kết luận, dự án trên đã đủ điều kiện vận hành thử nghiệm.
Dự án dây chuyền số 3 sản xuất gạch ốp lát granite cao cấp được đưa vào vận hành thử từ tháng 9/2019 và đi vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2020 với công suất 4 triệu m2/năm tại KDC Trúc Thôn (phường Cộng Hoà, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy này đã bị người dân phản ánh về việc khói thải, nhiệt thải dư làm chết hàng trăm cây keo rừng trồng của người dân khu vực gần nhà máy.
Bà Hoàng Thị Lương (thôn Trúc Thôn) có 115 cây rừng bị chết do ảnh hưởng từ hoạt động nhà máy phản ánh, chỉ ít lâu khi dây chuyền đi vào hoạt động, ống khói, khí nóng xả ra môi trường, cây đã có hiện tượng rụng lá, héo úa dần. Đến cuối tháng 9/2020 hầu hết hàng cây keo chết khô, vỏ cây lột từ trên xuống dưới. Hơn 100 cây keo của bà Lương bị chết kho đều được trồng và chăm sóc hơn chục năm và chưa từng khai thác.
Cay rung chet kho vi khi thai Cty Truc Thon: So TNMT Hai Duong noi gi?-Hinh-2
 Người dân cho rằng, nguyên nhân cây chết do ảnh hưởng từ hoạt động nhà máy của Công ty CP Trúc Thôn.
Không chỉ gia đình bà Lương, kiểm đếm của Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương về số cây bị chết nghi do khí thải của Công ty CP Trúc Thôn gây ra cho thấy, tại lô 1, khoảnh 8, TK11 có tổng số 122 cây bị ảnh hưởng, trong đó có 2 cây lim xanh, 99 cây keo đã chết, một số cây chết nửa tán và đã trút lá. Tại lô 4 khoảnh 8 TK11 tổng số cây chết là 397 cây. Trong đó, hộ gia đình bà Phùng Thị Hòa có 85 cây bị chết, hộ gia đình bà Hoàng Thị Lương có 115 cây bị chết và Công ty CP Trúc Thôn cũng có 197 cây bị chết.
Liên quan sự việc trên, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Đức Vinh Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Trúc Thôn thừa nhận hoạt động sản xuất của dây chuyền số 3 có làm ảnh hưởng đến diện tích cây trồng của người dân khu vực gần nhà máy.
"Dây chuyền số 3 có công nghệ mới do bên Trung Quốc chuyển giao. Khi vận hành không kiểm soát hết. Lẽ ra phải thu hồi nhiệt về sấy sản phẩm đầu vào nhưng không kiểm soát hết nên đã gây ảnh hưởng. Sau khi xảy ra sự việc, công ty đã phối hợp với các chuyên gia để kiểm tra hệ thống vận hành và quá trình vận hành của hệ thống thiết bị. Sau đó đã có phương án điều chỉnh lại để phù hợp, đảm bảo môi trường và hệ sinh thái ở xung quanh khu vực" – ông Nam cho biết.
Ông Mạc Đình Thắng, Hạt trưởng Kiểm Lâm TP Chí Linh cho biết, Hạt đã cử cán bộ kiểm lâm cùng với UBND phường Cộng Hòa kiểm đếm số lượng cây chết của người dân bị ảnh hưởng do nhà máy của Công ty CP Trúc Thôn. Đồng thời yêu cầu công ty phải có trách nhiệm đền bù cho người dân để trồng lại diện tích trồng mới và có biện pháp khắc phục hậu quả.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa, các bên đang thỏa thuận, thống nhất phương án đền bù dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan chuyên môn. Phường cũng đề nghị doanh nghiệp hoàn thiện và duy trì quy trình sản xuất theo đúng đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quá trình kiểm tra, xác định số cây chết do ảnh hưởng từ hoạt động của nhà máy, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Trúc Thôn phải bồi thường.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề yêu cầu bồi thường số cây chết do ảnh hưởng từ hoạt động của nhà máy, người dân lo ngại việc sản xuất của doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Lo lắng của người dân không phải không có cơ sở khi theo họ thời gian qua, hoạt động sản xuất của nhà máy đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng do bụi. Khu vực sản xuất của nhà máy gần với khu vực dân cư và cách trường mầm non không xa.
Do đó, người dân đề nghị cơ quan chức năng ngoài việc đánh giá thiệt hại của các hộ dân để công ty có trách nhiệm bồi thường cần phải yêu cầu công ty tiến hành kiểm tra lại hệ thống thiết bị sản xuất, đồng thời tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy này để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cũng như đời sống của người dân địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ô nhiễm môi trường tại các Làng nghề 

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)