Trong phóng sự phát sóng trước giờ bóng lăn của VTV, các phóng viên đã phanh phui vụ việc kỹ thuật viên của bệnh viện Xanh Pôn có hành vi cắt đôi que thử test nhanh HIV và viêm gan B để xét nghiệm một que với hai người, cùng với đó là trộn bốn mẫu máu của bệnh nhân vào để xét nghiệm một lần.
Hành vi này bị cáo buộc nhằm mục đích trục lợi vật tư y tế, đi trái đạo đức nghề y, đồng thời có thể gây ra sai lệch kết quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân đang muốn xét nghiệm các căn bệnh nguy hiểm và có tính lây nhiễm cao.
Trong lời giải thích trước báo chí, ban lãnh đạo bệnh viện lên tiếng phủ nhận việc chỉ đạo kỹ thuật viên thực hiện cách xét nghiệm bị chỉ trích nói trên.
Bệnh viện cho biết, thủ thuật cắt đôi que thử chỉ nhằm mục đích thử nghiệm trên các mẫu que thử miễn phí, không trả kết quả cho bệnh nhân. Còn loại que thử tiêu chuẩn mới được xét nghiệm chính thức và trả kết quả cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, câu trả lời lấp liếm của lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn không chỉ khiến dư luận cảm thấy “nóng máu” hơn mà thậm chí còn khiến cả Sở Y tế Hà Nội cũng không thể chấp nhận.
Theo hình ảnh từ phóng sự, hàng loạt các xét nghiệm HIV đều được tiến hành bằng các que thử được cắt đôi và không thấy có thêm một quá trình xét nghiệm bằng que thử chính thức nào như tuyên bố.
Cũng theo ban lãnh đạo Xanh Pôn, phòng xét nghiệm của bệnh viện mới chỉ cắt đôi 40 que thử và tiến hành thử nghiệm trên 80 mẫu máu của 80 bệnh nhân trong khoảng thời gian hai tháng. Nhưng trong hình ảnh phóng sự lại cho thấy chỉ riêng trong một ngày đã ghi nhận hàng chục mẫu máu được xét nghiệm theo kiểu trên.
Đáng chú ý hơn, chính một kỹ thuật viên của bệnh viện cũng lên tiếng thừa nhận rằng thủ thuật xét nghiệm theo kiểu cắt đôi que thử được tiến hành “hàng ngày”, được “chỉ đạo” và thậm chí bản thân người đó còn biết đây là hành vi sai trái.
Đến lúc này, dư luận vẫn cảm thấy khó hiểu về cách giải quyết khủng hoảng của bệnh viện Xanh Pôn. Phải chăng ban lãnh đạo đang ngầm ám chỉ VTV dựng phóng sự giả và kỹ thuật viên kia bịa chuyện để tự bôi nhọ bệnh viện nơi mình làm việc?
Việc có dàn dựng hay oan khuất gì ở đây sẽ còn phải chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, mọi chứng cứ đều đang đẩy Xanh Pôn vào tình thế bất lợi và khả năng vở kịch lật màn ở phút cuối là rất khó xảy ra.
Trong câu trả lời trước báo chí của lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn, người ta cũng chú ý đến lời biện minh rằng việc cắt đôi que thử là để nhằm mục đích “thử nghiệm”.
Không chỉ bệnh nhân mà cả những chuyên gia đầu ngành về y học cũng tự hỏi thủ thuật cắt đôi que thử để xét nghiệm HIV là để thử nghiệm cái gì?
Theo lời của một số bác sĩ, họ chưa từng nghe nói đến một công trình thử nghiệm nào theo kiểu khó hiểu như thế này.
Phải chăng phòng xét nghiệm của bệnh viện Xanh Pôn đang theo đuổi những kỹ thuật y học vượt trước thời đại khi tác động bằng thứ công cụ gọi là “kéo” vào những que thử vốn được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt để kích hoạt một tính năng thần kỳ nào đó?
Điều này nghe có vẻ cũng khá hợp lý khi với thủ thuật như vậy, một que thử vốn chỉ sử dụng cho một người lại có thể xét nghiệm được cùng một lúc cho đến hai người. Công trình của Xanh Pôn quả thật rất mang tính cách mạng.
Nếu hiệu quả bất ngờ đến như vậy, ban lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn nên đề nghị trao huân chương vì sự nghiệp y tế cho các kỹ thuật viên của mình, đồng thời lên tiếng yêu cầu chính VTV phải xin lỗi trên sóng truyền hình.
Nhưng nếu toàn bộ những lời giải thích của bệnh viện Xanh Pôn chỉ là nói dối và chống chế?
Cho đến lúc này, hành vi đúng sai của các kỹ thuật viên và trách nhiệm của bệnh viện Xanh Pôn đến đâu sẽ cần phải chờ đợi điều tra làm rõ. Tuy nhiên, trong trường hợp mọi hình ảnh, cáo buộc trong phóng sự là sự thật, đó sẽ là một tội ác tày đình khó thể tha thứ.
Bớt xén chút bê tông có thể khiến cây cầu yếu hơn nhưng không khiến nó đổ sập. Rút phần ăn của các cháu học sinh chỉ khiến các cháu còi hơn mà không gây nguy hiểm tính mạng. Nhưng ăn bớt công cụ xét nghiệm y tế thì hậu quả là chết người ngay lập tức. Không chỉ một người mà rất nhiều người.
Nếu trong trường hợp những người đến xét nghiệm HIV và viêm gan B ở bệnh viện Xanh Pôn bị sai lệch kết quả chỉ vì kiểu xét nghiệm cắt đôi que thử này, rất dễ để hình dung hậu quả khủng khiếp đến nhường nào.
Có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra. Một người khỏe mạnh đón nhận kết quả nhiễm HIV sẽ suy sụp nhanh chóng. Từ sự suy sụp đó sẽ là ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, gia đình. Hôn nhân tan vỡ. Bạn bè, người thân xa lánh. Hận đời, lao vào vòng xoáy u tối, thậm chí là tự tử.
Trong khi đó, một người nhiễm HIV lại nhận được kết quả âm tính sẽ tạo thành chuỗi domino lây lan bệnh kéo dài không thể kiểm soát. Không những không có được sự điều trị cần thiết để duy trì sự sống, người này còn trở thành gốc rễ lây lan đến mọi người xung quanh, từ vợ con cho đến thậm chí cả nhân tình.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho hệ lụy đến từ việc làm trái đạo đức của các kỹ thuật viên bệnh viện Xanh Pôn?
Câu hỏi đó thậm chí sẽ không còn quan trọng bằng việc làm thế nào để nắm được hết các nạn nhân của chuỗi lây lan HIV trong vụ việc nói trên và ngăn chặn hậu quả lan rộng.
Rồi sau này, khi vụ bê bối phát triển thành thảm họa y tế, lịch sử sẽ ghi nhận ở Việt Nam không phải chỉ có 3 con đường lây nhiễm HIV mà còn có con đường thứ 4 - đường Chu Văn An, nơi tọa lạc của bệnh viện Xanh Pôn.
Ở thời điểm hiện tại, dư luận còn đặt ra một câu hỏi. Đó mới chỉ sự gian dối đối với các xét nghiệm HIV và viêm gan B, liệu sẽ còn một loại xét nghiệm nào khác cũng gian dối như vậy mà bệnh viện chưa nắm được hay không?
Ngay cả trong kịch bản có hậu nhất, khi không có sự sai lệch xét nghiệm nào xảy ra, hành vi cắt đôi que thử nghiệm cũng không thể chỉ coi là một sai lầm nói lời xin lỗi là xong.
Khi bạn là khách hàng và bỏ một số tiền ra để hưởng dịch vụ, cơ sở phải cung cấp dịch vụ tương ứng với số tiền bạn bỏ ra. Việc trả tiền cho một que thử nhưng chỉ được dùng một nửa que không khác gì một hành vi lừa đảo và phải đối mặt với sự trừng trị của pháp luật.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả