Ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải cách hệ thống quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam. Theo đó, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law firm) cho biết, theo Luật Đất đai 2013, việc thu hồi đất và bố trí tái định cư có thể không đồng bộ. Điều này dẫn đến tình trạng trong những năm qua, người dân phải đối diện với cảnh “màn trời chiếu đất” khi bị thu hồi đất mà chưa được bố trí tái định cư xảy ra thường xuyên, gây ra nhiều sự bức xúc trong xã hội. Nhưng kể từ ngày 1/8/2024, khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực, theo đó, Luật này yêu cầu “việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”. Đây là một điểm mới giúp cho người dân bị thu hồi đất có nơi ở mới ổn định, không bị gián đoạn cuộc sống và công việc.
|
Luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law firm). |
Ngoài ra, quy định trên cũng cho thấy Nhà nước đang đặt quyền lợi của người dân lên trước mục đích của Nhà nước và lợi ích của chủ đầu tư khi tiến hành thu hồi đất.
"Luật Đất đai 2024 đã có một bước tiến quan trọng, trên tinh thần thúc đẩy, tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện các dự án, bảo vệ tốt nhất quyền lời của người dân trong quá trình thu hồi đất, gây dựng niềm tin của người dân đối với các chính sách đất đai của Nhà nước", Luật sư Mai Thảo nói.
Về nội dung
thu hồi đất nông nghiệp, nhận về đất ở, nhà ở tái định cư, Luật sư Mai Thảo nhận định:
Theo nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Cũng theo khoản 2 vừa nêu, đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Thống nhất với điều khoản trên, khoản 1 Điều 96 và khoản 6 Điều 111 Luật Đất đai 2024 cũng quy định về việc hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Như vậy, từ ngày 1/08/2024, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện bồi thường theo quy định thì có thể được bồi thường bằng đất ở, nhà ở.
Điểm mới nữa là khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình và cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, quy định này đã được loại bỏ trong Luật Đất đai 2024, mở ra cơ hội mới cho nhiều người dân.
Việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống người lao động. Đồng thời cũng giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất nông nghiệp, tránh tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất không hiệu quả.
Luật Đất đai 2024 cũng đã có những quy định nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống của người dân tộc thiểu số mà còn góp phần gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết hài hòa lợi ích trong xã hội.
Đặc biệt, Luật sư Mai Thảo nhấn mạnh về nội dụng Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất.
Theo đó, khoản 3 và khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai 2024 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận..., bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Như vậy, liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có 2 nhóm đối tượng được Luật Đất đai 2024 công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam”, và “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Về cách hiểu đối với nhóm “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam”, khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch nêu rõ “người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam”. Như vậy “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam” được hiểu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam.
Theo cách sắp xếp và quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai 2024 về người sử dụng đất thì “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam” được xếp cùng với nhóm “cá nhân trong nước” và gọi chung là “cá nhân”. Nhóm “cá nhân” này được hưởng các quyền sử dụng đất theo luật định bao gồm quyền nhận chuyển đổi đất đai, quyền chuyển nhượng, nhận tặng cho, quyền thừa kế… Theo đó, có thể hiểu “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam” đều được hưởng mọi quyền sử dụng đất như cá nhân trong nước.
Bên cạnh đó, đối với nhóm “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài” khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là “người gốc Việt”) là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Theo Luật Đất đai 2024, quyền của người gốc Việt cũng đã được quy định cụ thể và mở rộng chi tiết.
"Tựu trung lại, những thay đổi này trong Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không những giúp họ có thêm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người có thể hồi hương dưỡng lão hoặc sinh sống lâu dài", Luật sư Mai Thảo bày tỏ quan điểm.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nói về Luật Đất đai (sửa đổi):