8 ngày qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khi Việt Nam đã ghi nhận 366 bệnh nhân trong cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố. Để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đang có những cách thức cách ly khác nhau với người về từ vùng có dịch.
Cho ý kiến về vấn đề này với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo hướng dẫn cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như của Bộ Y tế, đối với những khu vực có ổ dịch được Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khoanh vùng và phong toả phải tuân thủ nghiêm ngặt. Tất cả những đối tượng F1 phải đưa đi cách ly tập trung. Những đối tượng F2 thì phải cách ly theo dõi tại nhà.
|
Khu cách ly tập trung tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam luôn chống dịch theo nguyên tắc cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể, để quyết định việc cách ly (phong tỏa) một địa điểm "theo diện hẹp", nơi có ca nhiễm COVID-19.
Do đó, ổ dịch (vùng dịch, điểm dịch) có thể là một cụm dân cư, khu chung cư, ngõ phố, khu phố, thôn, bản, xã hoặc rộng hơn là thành phố. Những nơi đã được chính quyền địa phương quyết định phong tỏa mới được coi là ổ dịch.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý 10 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19, song điều đó không có nghĩa tất cả người dân tại các địa phương này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.
Đồng thời dẫn ví dụ, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương); sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); 11 khu vực ở Hà Nội như ngõ 86 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh)... được coi là các ổ dịch bởi đang bị phong tỏa. Những nơi khác ngoài các địa điểm này mà không có ca bệnh, thì không được coi là ổ dịch.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đang soạn thảo văn bản hướng dẫn các địa phương cách ly người từ vùng dịch, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Dự kiến sáng nay 5/2, văn bản sẽ được ban hành.
|
Hải Phòng cách ly tập trung với người đến từ Hải Dương, Quảng Ninh. |
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nếu chỉ có một điểm có dịch, hoặc chỉ có 1 ca bệnh tại 1 chung cư, một ngõ phố … nhưng lại bắt cả người dân trong phường đó về quê phải cách ly là không nên. Trừ những người ở trong ổ dịch, vùng dịch là không được về, còn những người không thuộc các ổ dịch, vùng dịch vẫn có thể về quê ở địa phương khác; tuy nhiên người dân cần bắt buộc thực hiện việc khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp phòng bệnh.
Chia sẻ suy nghĩ của mình với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng việc “cách ly y tế” là biện pháp phòng dịch đầu tiên và hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, việc cách ly y tế phải trên cơ sở các quy định của pháp luật, có khoa học mới đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh.
Luật sư Cường cho rằng, luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định rất rõ về việc công bố dịch. Theo đó những khu vực được cho là vùng dịch phải có thủ tục công bố dịch và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng chống như phong tỏa, cách ly.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo các văn bản pháp luật, “vùng có dịch” là vùng có người mắc bệnh dịch và đã được công bố là khu vực nguy hiểm, cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như: Phong tỏa, cách ly, phun khử trùng, khử khuẩn... Những người đi qua vùng này, sinh sống ở vùng này mà di chuyển đến nơi khác, bắt buộc phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà.
Việc “công bố dịch” thuộc nhóm A như COVID-19 sẽ được thực hiện ở từng cấp hành chính như cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo thẩm quyền pháp luật quy định. Bởi vậy, nếu địa phương nào hiểu sai tinh thần của văn bản pháp luật cần phải xem xét lại.
Luật sư Cường ví dụ, khi cơ quan có thẩm quyền chưa công bố toàn tỉnh Hải Dương có dịch, chưa thực hiện các biện pháp phong tỏa toàn tỉnh thì chỉ có những người ở các xã, quận, huyện đã được công bố có dịch, đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly mới được xác định là vùng dịch. Khi đó, những người ở những vùng dịch đi đến nơi khác mới phải áp dụng các biện pháp khai báo y tế, cách ly y tế theo quy định.
Còn những khu vực (xã, huyện..) mà chưa được công bố là có dịch, chưa áp dụng các biện pháp chống dịch là cách ly y tế thì người dân vẫn được đi lại, tiếp xúc nhưng phải khai báo y tế khi cơ quan nhà nước có yêu cầu.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, hiện nay các địa phương có những thông báo và các mức độ chống dịch khác nhau tuy nhiên phải phù hợp với quy định của pháp luật. Việc đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải trên cơ sở Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Bộ y tế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ Vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam