Nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến các thai nhi xấu số được chôn cất dưới những nấm mồ tập thể tại nghĩa trang Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
[Clip] Những lễ tiễn đưa lặng lẽ ở nghĩa trang Đồi Cốc
Những nấm mồ mang tên “Bình An”
Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng phá thai trái phép diễn ra khá công khai tại một số phòng khám trên địa bàn Hà Nội. Với những thai nhi không may mắn sống sót, sau khi bị phá bỏ, các bé sẽ được các đội tình nguyện thu nhặt về, khi đủ số lượng sẽ được chuyển về chôn cất tại nghĩa trang Đồi Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Chính vì lẽ đó, từ lâu nghĩa trang Đồi Cốc được nhiều người biết đến. Tọa lạc giữa cánh đồng mênh mông, nghĩa trang này đã tồn tại gần 15 năm nay. Nơi đây là chốn yên nghỉ của hàng ngàn đứa trẻ đã bị chính cha mẹ của mình chối bỏ ngay từ khi chưa chào đời, thậm chí khi mới chỉ là một giọt máu.
Là người đã tham gia công việc thiện nguyện này suốt 7 năm qua, anh Nguyễn Minh Hùng - Trưởng Nhóm Bảo vệ sự sống Hà Nội chia sẻ, hàng ngày các nhóm thiện nguyện đều vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm km để đến các bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám có dịch vụ nạo phá thai… để thu nhặt các thai nhi và mang về chôn cất. Mỗi lần như vậy, nhóm đều có ghi chú lại số lượng thai nhi trong ngày vào một cuốn sổ.
Anh Minh Hùng cho biết, Nhóm Bảo vệ sự sống Hà Nội tiêu chí cốt lõi là phản đối việc nạo phá thai. "Nhóm luôn tìm cách tiếp cận với các sản phụ đang có ý định bỏ thai để khuyên nhủ. Với những trường hợp khó khăn kinh tế, nhóm sẵn sàng hỗ trợ cho đến lúc sản phụ sinh nở được an toàn", anh Hùng nói.
Mặc dù không chủ trương thu gom thai nhi, và cũng chỉ là một nhóm nhỏ nhưng theo tiết lộ của anh Nguyễn Minh Hùng, mỗi tháng, anh và các thành viên đều thu nhặt được từ 70-100 thai nhi. Tháng nhiều sẽ là 200 thai nhi. Những hài nhi này có thể từ phòng khám chủ động liên hệ hoặc do chính nhóm đi lấy.
“Những người này mang thai nhưng lại giấu gia đình. Việc sợ gia đình biết chuyện, khi người yêu bỏ hoặc không thể sinh con thứ 3 là một trong số những nguyên nhân dẫn tới nạn nạo phá thai ở Việt Nam”, anh Hùng nói.
Ngoài ra, anh Hùng cũng cho biết, số lượng thai nhi sẽ tăng giảm theo chu kỳ, cao điểm nhất là vào dịp đầu và cuối năm.
Theo ghi nhận của Lao Động trong một lần chôn cất thai nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc hồi đầu năm 2020, ngay từ sáng sớm người dân địa phương cùng các nhóm thiện nguyện đã có mặt đông đủ làm công tác vệ sinh khuôn viên, chuẩn bị cho việc chôn cất thai nhi. Nhiều thai nhi đã có hình hài một con người. Ước chừng trước khi bị loại bỏ, các thai nhi đã được 28 -32 tuần tuổi.
Những vật dụng, mâm lễ cúng được chuẩn bị rất đơn giản. Trong số đó, thứ không thể thiếu trong buổi lễ an táng thai nhi là sữa hộp, hoa cúc trắng và bánh kẹo. Còn với những thai nhi, các em sẽ được mặc áo cẩn thận, đắp khăn và nâng niu đặt nằm ngay ngắn trong chiếc tiểu sành. Do bị vứt bỏ từ rất sớm nên tất cả những ngôi mộ chung này đều được đặt chung một tên là “Bình An”.
Nghĩa trang ngày một quá tải
Thủa ban đầu, khi người dân địa phương và các tổ chức từ thiện lượm nhặt được hài nhi sẽ cuốn vào chiếu, vào túi nilon, sau đó mới đem chôn. Về sau, khi đã dần có kinh phí, những người này sẽ quyên góp tiền mua tiểu sành để tiện chôn cất.
Nói là vậy nhưng nơi chôn cất cho những thai nhi này cũng rất sơ sài, thiếu thốn. Người dân sẽ xây dựng các huyệt bằng xi măng sâu khoảng 1,5 mét, rộng 2 mét để an táng chung tất cả những thai nhi này. Khi làm lễ xong, người dân xếp dồn hàng chục chiếc tiểu sành này thành các lớp vào trong từng huyệt.
Biết số lượng thai nhi mang về nghĩa trang chôn cất ngày một tăng lên, người dân ở đây đã xây dựng sẵn các huyệt để “chờ”. Tại đây có đủ các độ tuổi của những sinh linh xấu số bị cha mẹ ruồng bỏ khi chưa được cất tiếng khóc chào đời.
Việc chôn cất được thực hiện theo tuần, thời gian nào số lượng thai nhi nhiều sẽ là 1 tuần một lần, còn không là 2 tuần một lần. Cũng có những tuần, số lượng hài nhi nhiều đầy ắp cả chiếc tủ lạnh.
Với bà Nguyễn Thị Nhiệm (sinh năm 1959, thôn Bến Cốc, xã Thanh Xuân - người trực tiếp trông coi nghĩa trang), trong suốt một thời gian dài, việc thu nhặt và chôn cất thai nhi đã quá quen thuộc, nhưng chưa bao giờ bà thôi xót xa.
Bình thường, vào mỗi ngày rằm hoặc mùng 1 đầu tháng, người dân lại đem hoa quả đến ban thờ chính thắp hương để cầu mong cho những linh hồn bé bỏng sớm được siêu thoát.
Vấn đề ở chỗ, nghĩa trang Đồi Cốc ngày một quá tải. Khi đất dần hết, những huyệt mộ sau được người dân đào sâu hơn huyệt trước. Tuy nhiên, cách làm này cũng chẳng được lâu, người dân địa phương cùng những nhà hảo tâm quyên góp tiền mua được một mảnh đất liền kề để có thêm nơi chôn cất.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết, nghĩa trang Đồi Cốc đã được hình thành cách đây gần 15 năm và do người dân địa phương tự lập ra. Hiện nay, nghĩa trang này do bà Nguyễn Thị Nhiệm trông coi nhưng xã không thống kê số lượng hài nhi đã chôn cất tại đây, việc này do người dân tự làm. Ngoài ra, xã không nắm rõ những tổ chức này đến từ đâu, lấy xác hài nhi ở chỗ nào về.
Đồng thời, ông Trường cũng khẳng định sau khi nhận được phản ánh của phóng viên sẽ cho kiểm tra lại số lượng và nguồn gốc hài nhi được mang về chôn cất tại đây.