Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm sáng 4/6, Đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vụ việc gian lận thi cử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 mà cử tri hiện đang rất quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng việc gian lận thi cử là vi phạm nghiêm trọng xâm hại đến quyền lợi của trẻ em, học sinh. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, vì vậy việc điều tra phải đặc biệt chú ý bảo đảm khách quan, không bỏ lọt tội phạm.
“Việc giao thẩm quyền điều tra như vậy thì có bảo đảm khách quan hay không? Trường hợp có dấu hiệu không khách quan thì Bộ Công an có phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo chuyển quyền điều tra vụ việc hay không?”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay cơ quan an ninh điều tra các tỉnh Sơn La, Hà Giang đang điều tra liên quan đến gian lận thi cử về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
“Kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận hành vi về lạm dụng nhiệm vụ được giao thực hiện can thiệp, sửa chữa nâng điểm cho thí sinh với 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về vấn đề cần làm rõ là vi phạm của phụ huynh đưa tiền cho các bị can để nhờ nâng điểm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Cơ quan điều tra kết luận điều tra truy tố các bị can xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ nhiệm vụ được giao để can thiệp, nâng điểm cho thí sinh. Còn việc đưa tiền vẫn đang tiếp tục điều tra và sẽ công bố khi có kết luận điều tra.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 3 vụ án nêu lên (vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình) thì có 2 vụ án ở Sơn La, Hà Giang do công an địa phương thụ lý điều tra và Viện Kiểm sát địa phương kiểm sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Do tính chất đặc biệt của vụ án nên Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, giám sát việc điều tra đúng pháp luật.
“Đến nay, chưa có dấu hiệu nào thể hiện cơ quan điều tra địa phương thiếu khách quan, để lọt người, lọt tội. Bộ Công an tiếp tục giám sát chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát địa phương thực hiện vấn đề này”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Về thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra của địa phương thực hiện, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ở Hòa Bình, trước yêu cầu của tỉnh và nhận thấy đây là tội phạm mới cần thực hiện điều tra trực tiếp để rút kinh nghiệm thì Bộ Công an cùng với địa phương điều tra. Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra thì có kiểm sát của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, còn cơ quan điều tra của công an tỉnh điều tra thì có sự kiểm sát của Viện Kiểm sát Nhân dân địa phương. Vì thế, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc điều tra vụ án liên quan đến kỳ thi vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.