Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Làm việc vô cảm sẽ bóp chết doanh nghiệp”

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và khẳng định: “Cách làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm sẽ khiến “bóp chết” doanh nghiệp vì gánh nặng chi phí” khi đi kiểm tra tháo gỡ thực trạng hàng nghìn container phế liệu làm nguyên liệu nhập khẩu bị chậm trễ thông quan.

Trước thực trạng hàng nghìn container phế liệu làm nguyên liệu nhập khẩu bị chậm trễ thông quan, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ngày 29/1, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã kiểm tra tại cảng Hải Phòng.
Cuộc kiểm tra của Tổ công tác được tiến hành theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau khi nhận được đơn kêu cứu từ các doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác đã quyết liệt truy trách nhiệm ngành Hải quan và các bộ liên quan.
Làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm sẽ “bóp chết” doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có rất nhiều lô hàng phế liệu làm nguyên liệu tuy đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhưng đang tồn đọng tại các cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
“Nhà máy không có nguyên liệu, công nhân nghỉ việc, giảm công suất, hủy các hợp đồng, trong khi nguyên liệu tồn đọng tại cảng, phí lưu kho lưu bãi, tiền phạt chậm trả... rất nhiều, gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp”, Bộ trưởng nêu thực tế và đặt vấn đề, nguyên nhân do đâu và giải pháp tháo gỡ là gì?
Bo truong Mai Tien Dung: “Lam viec vo cam se “bop chet” doanh nghiep”
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo các doanh nghiệp, trước thời điểm 29/10/2018, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không được thông quan vì Hải quan cho biết không thể kiểm tra và thông quan khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Thế nhưng sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư 08, 09 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với phế liệu, có hiệu lực từ 29/10/2018, thì nhiều cơ quan Hải quan vẫn không thông quan với các lô hàng đã đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật, với lý do chưa có hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Hải quan.
Kiểm tra hiện trường tại cảng Hải Phòng ngay trước buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng liên tục đặt các câu hỏi với các cơ quan liên quan về nguyên nhân dẫn đến việc chậm thông quan các lô hàng trên. Khi được nghe phía Hải quan giải thích là hiện chính sách đã thông nhưng nhiều doanh nghiệp lại “mắc” phí lưu kho bãi quá lớn sau một thời gian dài ùn tại cảng, Tổ trưởng Tổ công tác bày tỏ bức xúc.
“Có những doanh nghiệp nhập hàng từ tháng 6 năm ngoái, hàng đáp ứng tiêu chuẩn nhưng không được thông quan là do cái gì? Đến nay chi phí lưu kho bãi 40-50 USD/ngày, thiệt hại cả tỷ đồng. Bán cả lô hàng đi cũng không đủ trả phí lưu kho bãi, nếu là tôi, tôi cũng bỏ hàng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và khẳng định: “ Cách làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm sẽ khiến “bóp chết” doanh nghiệp vì gánh nặng chi phí”.
Doanh nghiệp phàn nàn về quy định của Bộ TN&MT
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng nêu vấn đề cần giải quyết. Đó chính là trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các lô hàng phế liệu. Ông nói rằng: “Các doanh nghiệp rất phàn nàn về quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
“Đã có đơn vị giám định độc lập rồi nhưng vẫn phải có sự tham gia của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc này có cần thiết không, cần xem xét kỹ? Mở container ra, kiểm tra bằng mắt thường, mà doanh nghiệp phải bố trí ăn ngủ, đưa đón, đi từ Nam ra Bắc, kinh phí ở đâu ra?”, Bộ trưởng nêu thực tế.
Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp bức xúc và mong muốn nhanh chóng giảm bớt thủ tục hành chính trong việc thông quan hàng phế liệu.
Bo truong Mai Tien Dung: “Lam viec vo cam se “bop chet” doanh nghiep”-Hinh-2
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân .
Cụ thể, đại diện Hiệp hội Giấy cho biết các doanh nghiệp thuộc ngành này chịu tới hàng nghìn tỷ đồng cho chi phí lưu kho lưu bãi thời gian qua. “Doanh nghiệp đã khóc quá nhiều trong những tháng qua” – đại diện Hiệp hội Giấy nói.
Buổi làm việc trở lên căng thẳng gay gắt với những tranh luận nảy lửa về trách nhiệm của phía cơ quan quản lý môi trường và cơ quan Hải quan.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, cơ quan này luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và "không bao biện". Ông cũng cho rằng việc nhập khẩu phế liệu đang qua nhiều lần cấp phép và các Sở Tài nguyên và Môi trường khó có thể đủ người để kiểm tra các container phế liệu nhập khẩu, nên dẫn đến tình trạng một lô hàng chờ đến 10 ngày, thậm chí 30 ngày.
Theo ông Cẩn, cái khó nhất trong việc thông quan nằm ở quy định của Bộ TN&MT và không có nước nào thông quan như ở nước ta.
"Ngay chuyện lấy mẫu, ví dụ một tàu sắt người ta chở rời nhưng thông tư của Bộ TN&MT bắt phải lấy mẫu ở giữa tàu. Sau khi Chỉ thị 27 của Thủ tướng ban hành ra, thì Bộ TN&MT lại giao cho các Sở chủ trì hoạt động này là không hợp lý, bởi kể cả có làm đúng thì một lô hàng cũng phải mất 10 ngày, có khi 30 ngày mới xong thủ tục. Cái này Hải quan chúng tôi không đặt ra, thêm thủ tục nào cả" - ông Cẩn nói.
Bo truong Mai Tien Dung: “Lam viec vo cam se “bop chet” doanh nghiep”-Hinh-3
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân thừa nhận tình trạng tồn đọng tại các cảng có phần có lỗi của ngành Tài nguyên và Môi trường, khi các đoàn kiểm tra phế liệu “quá cồng kềnh”, phương pháp kiểm tra trên thực tế cũng có vấn đề.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân bức xúc cho rằng nói gì thì nói, quyền thông quan hay không vẫn là ở hải quan.
"Thủ tướng đã nhận ra vấn đề và đã có kết luận số 639, tôi cho đây là kết luận rất sáng suốt bởi doanh nghiệp không dám nói, nói ở đây rồi mấy ông hải quan ông ấy hành. Bao nhiêu doanh nghiệp đau khổ, không có nguyên liệu sản xuất,.. do ai, ai làm cái đó là có tội với đất nước" - ông Võ Tuấn nhân nói.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức thì cho biết, các Sở hiện đã nỗ lực bố trí đủ nhân lực cho việc kiểm tra và công việc hiện đã thông thoáng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình với ý kiến này và dẫn thực tế, các địa phương làm thủ tục thông thoáng là do không thực hiện quy định trên. “Đã có tổ chức giám định chịu trách nhiệm trước pháp luật, vậy tại sao lại còn phải chờ giấy của Sở, giấy đó có ý nghĩa gì?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Tháo gỡ ngay những điểm vướng mắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tháo gỡ triệt để, cải cách triệt để, không vì lý do bảo đảm môi trường mà tạo ra các rào cản, thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Để tháo gỡ các điểm còn vướng mắc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ thống nhất với các cơ quan, báo cáo Thủ tướng hướng xử lý. Tinh thần là ngay sau Tết, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu sản xuất.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan làm thủ tục với các lô hàng phế liệu theo hướng, doanh nghiệp mở tờ khai ở thời điểm nào thì áp dụng theo chính sách ở thời điểm đó. Các lô hàng về cảng bất kỳ thời điiểm nào, kể cả trước khi các Thông tư 08, 09 có hiệu lực, nếu đáp ứng quy chuẩn sẽ được thông quan. Ai làm sai sẽ bị xử lý.
Bo truong Mai Tien Dung: “Lam viec vo cam se “bop chet” doanh nghiep”-Hinh-4
 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại cảng Hải Phòng. Ảnh: VGP
Thống nhất không cần giấy xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường như hiện nay. Như vậy, chỉ cần giám định chất lượng của đơn vị độc lập do Bộ chỉ định, đơn vị này sẽ cùng hải quan kiểm tra, không cần sự tham gia của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường nữa.
“Giấy xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường thêm một thủ tục nhưng không có ý nghĩa quản lý”, Bộ trưởng Dũng nói.
Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi 4 nghị định có liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa quy định thuộc thẩm quyền. Trong thời gian chưa kịp sửa các văn bản, Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác sẽ kiến nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ gần nhất để tháo gỡ vướng mắc ngay cho doanh nghiệp. Tinh thần là không để doanh nghiệp đón Tết trong lo âu và ra Tết có ngay nguyên liệu sản xuất.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Tổng cục Hải quan làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, Bộ Giao thông vận tải làm việc với các hãng tàu để đề nghị xem xét miễn, giảm chi phí lưu kho bãi, phí container cho các chủ hàng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rằng, việc kiểm tra ở cảng Hải Phòng nhằm tháo gỡ cho tình trạng chung trên cả nước hiện nay, nhiều nơi như ở cảng Cát Lái tình trạng tồn đọng còn nghiêm trọng hơn ở Hải Phòng.
“Nhìn thẳng vào sự thật, nếu sai thì phải xin lỗi doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/1/2019, các container phế liệu đang lưu giữ tại cảng trên toàn quốc là 24.184 container, tại các cảng biển Hải Phòng hiện đang lưu giữ 6.660 container. Trong năm 2018, qua công tác kiểm tra của các cơ quan hải quan đã phát hiện 72 lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và đã yêu cầu các hãng tàu tái xuất, tuy nhiên các hãng tàu vẫn chưa thực hiện tái xuất. Nguyên nhân do chưa có chế tài xử lý đối với các hãng tàu khi chưa thực hiện việc tái xuất.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát trên 250 doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu phế liệu, xác định 44 doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn gian lận trong hoạt động nhập khẩu. Hiện cơ quan hải quan đang tiếp tục tổ chức điều tra xác minh, phối hợp với các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ để giải quyết, xử lý.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)