Ngày 30/1, cơ quan Công an cho biết vẫn đang điều tra, làm rõ thông tin tài xế Hà Văn Nam (38 tuổi, ở Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) bị nhóm đối tượng lạ mặt bắt lên xe ô tô đánh đập dã man chấn thương vùng ngực, gãy 2 xương sườn xảy ra vào ngày 28/1.
|
Những vết bầm tím khắp cơ thể tài xế Nam do bị đánh đập. Hiện tài xế này đang phải nằm điều trị ở bệnh viện 198 (Bộ Công an). |
Trả lời PV Kiến Thức, anh Nam cho biết, thời gian gần đây anh không có mâu thuẫn với ai. Có thể, lý do anh bị đánh vì đã tham gia phản đối các trạm BOT sai phạm và bất cập trên cả nước.
Nhiều tài xế trên các diễn đàn về giao thông cũng đồng tình với suy nghĩ trên của anh Nam. Một số người tham gia phản đối BOT sai phạm hoặc thu phí quá cao từng bị các đối tượng "đầu gấu" đe dọa, thậm chí xô xát ngay tại trạm BOT. "Vì vậy, nguyên nhân anh Nam bị đánh do liên quan tới việc phản đối BOT hoàn toàn có cơ sở. Đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc, không để chìm xuồng vụ án" - tài xế Nguyễn Hữu Quýnh (Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ.
|
Đối tượng doạ nạt, có hành vi dung tục với tài xế qua trạm BOT Mỹ Lộc. (Ảnh chụp từ clip)
|
Anh Nam cho biết thêm, thời gian gần đây, anh cùng nhiều tài xế đã cùng nhau lên tiếng phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) thu phí hộ tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), do Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 làm nhà thầu.
Do bị tài xế phản đối, từ ngày 18/12/2018 cho đến nay, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã phải xả trạm, nhưng nhân viên của trạm này vẫn được phân ca làm việc bình thường, tuy nhiên ít khi họ thu được phí các xe ô tô di chuyển qua đây.
Mới đây, văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gửi Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu Bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xảy ra tại trạm thu phí đường bộ Bắc Thăng Long - Nội Bài.
|
Vết bầm tím trên mạn sườn của tài xế Nam. |
|
Cánh tài xế tỏ ra bức xúc trước việc tài xế Hà Văn Nam bị đánh nhập viện, họ cho rằng đang có một thế lực đứng đằng sau để dằn mặt những người phản đối BOT sai phạm, bất cập trong nước. |
Trước đó, do chờ lâu không thấy phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 đến đối thoại, những tài xế phản đối thu phí tại trạm BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài đã xế đề xuất tài xế Nam đứng ra làm đại diện liên hệ, đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để trình bày, hỏi một số thông tin liên quan.
|
Một số tài xế khác vẫn "cắm chốt" ở trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài để phản đối việc trạm này thu phí hộ. Cánh tài xế liên tục ra tín hiệu cho các lái xe di chuyển qua đây không phải trả phí và biết được trạm này đang xả. |
Ngay sau đó, tài xế Nam đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam gặp gỡ, làm việc đại diện cho nhóm tài xế để làm rõ các nội dung như sau:
- Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài có đúng là làm đường 1 nơi, thu phí 1 nơi hay không?
- Ngày thành lập dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài phía nhà thầu và Bộ GTVT đã xin ý kiến chưa hay tự làm với nhau rồi tự trình lên xin ý kiến Chính phủ?: Việc thành lập trạm BOT này có thấy bất hợp lý không?
- Tại sao Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý và theo dõi thu chi của trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nhưng lại không thấy công khai việc thu chi lên bảng điện tử?
- Người dân không đi tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên tại sao phải trả phí, người dân không trả phí thì nói là phản đối, vậy người dân đã phản đối sai ở chỗ nào?
- Vai trò của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ở đâu khi mà người dân tham gia tập trung ở trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã nhiều ngày nay để phản đối việc thu phí hộ?
Trong khi đang chờ đối thoại với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 với vai trò người đại diện cho 1 bộ phận tài xế thì anh Nam bị "bắt cóc", đánh trên xe ô tô.
Ngay khi biết thông tin tài xế Hà Văn Nam bị đánh, cánh tài xế vô cùng bức xúc. Về nguyên nhân anh Nam bị đánh do phản đối BOT, vẫn chỉ là những phỏng đoán mang tính cá nhân. Sự việc đã được trình báo cơ quan chức năng. Hiện, đang được điều tra, làm rõ.