Bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi trí thức

Google News

Ngày 6/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam).

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, sở hữu trí tuệ là một chủ đề được bàn thảo rất nhiều trong những năm gần đây. Việc vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền tác giả cũng đã diễn ra khá phổ biến. Nhiều trường hợp tranh tụng gây ra những bức xúc trong vấn đề sở hữu. Đây là vấn đề cần nhận diện rõ và có những giải pháp hiệu quả…
Bo sung Luat So huu tri tue, bao ve quyen loi tri thuc
 PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Năm 2005, lần đầu tiên Quốc hội thông qua một luật rất quan trọng - Luật số 50 về sở hữu trí tuệ. Từ đó đến nay, Luật này liên tục được sửa đổi, bổ sung. Và năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023.
Luật này giúp cho chúng ta quy định được thống nhất, đồng bộ, minh bạch nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan tới tài sản hết sức đặc biệt là trí tuệ.
Hội thảo Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có sự tham gia của các chuyên gia, học giả. Các đại biểu tham dự cũng có thể đặt câu hỏi thảo luận và nghe trả lời từ các chuyên gia.
Nhiều lợi thế khi đăng ký bảo hộ sáng chế
Ông Ðào Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm tương đối nhiều đối tượng.
Bo sung Luat So huu tri tue, bao ve quyen loi tri thuc-Hinh-2
 Ông Ðào Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khi được bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu có nhiều lợi thế. Đó là có quyền ngăn chặn bất kỳ bên thứ 3 nào sử dụng sáng chế của mình mà không được phép, từ sao chép, xuất khẩu. Và khi đăng ký bảo hộ sáng chế là cơ sở vin vào khi có hành động xâm phạm sáng chế xảy ra. Đã có nhiều trường hợp, bản án liên quan.
Đây cũng là một trong các hình thức đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo, thu hút vốn đầu tư, rất quan trọng với doanh nghiệp. Ngoài ra, với sự phát triển hàm lượng khoa học trong sản phẩm, có thể tăng lợi thế cạnh tranh, tăng lợi nhuận.
Bo sung Luat So huu tri tue, bao ve quyen loi tri thuc-Hinh-3
 Quang cảnh hội thảo.
Đối với doanh nghiệp, khi đăng ký bảo hộ sáng chế có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, việc lạm dụng sáng chế cũng có thể tạo ra những lợi ích tiêu cực đối với xã hội. Chẳng hạn, khi được cấp bằng độc quyền, chủ sở hữu có thể tùy ý sử dụng, như một số hãng dược phẩm có thể tùy ý nâng giá thuốc.
“Do đó, chúng ta cần có nguyên tắc đặt ra với sân chơi này, đó là nguyên tắc cân bằng, có sự dung hòa, tạo điều kiện phát triển cho cả hai bên: giữa người tạo ra sáng chế và xã hội”, ông Dũng nói.
Ông Dũng thông tin, hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng từ 3-6% sáng chế có khả năng thương mại hóa.
Cần bổ sung nội dung bảo vệ quyền lợi trí thức
PGS.TS Bùi Thị An, Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, chúng ta đều biết sở hữu trí tuệ là tiền là vàng. Nhưng nhiều trí thức không quan tâm tới sở hữu trí tuệ, như thế hệ của bà, do luật chưa có, ngoài ra, thủ tục rườm rà. Đến giờ, thì nhiều người đã quan tâm, tuy nhiên, cùng với đó là những băn khoăn.
Bo sung Luat So huu tri tue, bao ve quyen loi tri thuc-Hinh-4
 PGS.TS Bùi Thị An, Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng cần bổ sung nội dung về bảo vệ quyền lợi trí thức trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Bà An nêu thực tế, nhiều nhà khoa học đi làm cho các doanh nghiệp, theo luật các tổ chức có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng nếu các nhà nghiên cứu không biết quyền lợi của mình sẽ dẫn tới những thiệt thòi.
“Chẳng hạn, doanh nghiệp ra một giá nhất định, rồi họ toàn quyền sử dụng sáng chế, thì các nhà khoa học cũng không biết cách để thỏa thuận. Nên tôi mong muốn tới đây, Luật Sở hữu trí tuệ có thể bổ sung nội dung bảo vệ quyền lợi cho các nhà khoa học, có cách nào đó để họ có thể được trả tiền đúng với giá trị chất xám của mình, để giới trí thức đỡ bị thiệt thòi. Bởi đặc điểm của trí thức là rất tự trọng, nếu cứ bắt họ đi đi lại lại, xin cho, họ rất ngại”, PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.
PGS.TS Bùi Thị An cũng đặt câu hỏi về việc đối với tư vấn thì có được bảo hộ bản quyền không? Bởi có những tư vấn rất có giá trị, nhưng làm thế nào để xác định được bản quyền? Vậy có nên đưa vào một nội dung mới trong Luật Sở hữu trí tuệ hay không?
Đặc biệt, với những hội phi lợi nhuận, tư cách pháp nhân nghèo nàn thì bảo hộ thế nào?
Bà An cũng quan tâm tới hiệu quả áp dụng thực tiễn của những sáng chế. Bà An đề nghị, Cục Sở hữu trí tuệ cần có định hướng để những sáng chế có tính hữu ích thực sự, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
“Chứ không phải đăng ký chỉ để đưa vào CV cho oai”, bà An nói.
Mời quý độc giả xem video: "Xem những sản phẩm đầu tay của các thương hiệu nổi tiếng thế giới". Nguồn: Kiến Thức.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)