Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư 49 (lần 2) về quy định xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Khác với lần lấy ý kiến trước đó, lần này, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định hai trạm phải cách xa nhau tối thiểu 70 km.
Trả lời Zing.vn, một đại diện Bộ GTVT khẳng định việc bỏ quy định về khoảng cách trạm BOT 70 km là tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội vận tải.
Khoảng cách 70 km không cần thiết
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam với Zing.vn. Vị này cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết yêu cầu không BOT trên đường hiện hữu. Từ nay, trạm BOT chỉ xuất hiện trên những tuyến đường mới.
|
Nhiều ý kiến cho rằng khi thu phí kín, khoảng cách giữa các trạm không quá quan trọng. Ảnh: An Bình.
|
Khi thu phí kín, người dân đi bao nhiêu km tính tiền bấy nhiêu, khoảng cách các trạm BOT không còn quan trọng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải dẫn chứng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai thu phí kín. Trên cao tốc này có nhiều đường rẽ vào đường nhánh. Đi 50 km, lái xe trả tiền 50 km, đi 70 km, trả tiền 70 km. Dù rẽ ra đường nhánh cũng phải trả tiền đúng với số km đã đi. Vậy, khoảng cách giữa các trạm là 50 km hay 70 km không quan trọng.
Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu trong trường hợp trong phạm vi 70 km nếu đầu tư thêm cầu đường bộ, hầm đường bộ thì chỉ tổ chức thu 1 lần (cộng cả phí đường bộ và phí cầu, hầm). Bởi nếu tách riêng từng dự án qua nhiều lần thu sẽ tạo nên ùn tắc giao thông không cần thiết.
“Quy định các trạm BOT cách nhau tối thiểu 70 km trước đây là Bộ Tài chính ban hành để ngăn các trạm đặt gần nhau, tạo gánh nặng cho lái xe. Nhưng đến nay Bộ Tài chính cũng thừa nhận không cần thiết nữa”, ông Thanh nói.
Bộ Tài chính góp ý quy định khoảng cách 70 km phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở song không phù hợp với các dự án thu kín. Bên cạnh đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định về khoảng cách vị trí trạm thu phí.
“Ngại” khó thu hút nhà đầu tư
UBND tỉnh Bình Phước cho rằng quy định khoảng cách đặt trạm trên cùng một tuyến đường là 70 km gây khó khăn cho nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng BOT. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu hoàn vốn của dự án.
Tỉnh này dẫn chứng Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các dự án đường bộ phải là tuyến mới thì mới được đầu tư theo hình thức BOT.
Nhưng để đầu tư một tuyến đường mới với chiều dài 70 km thì tổng mức đầu tư rất lớn, lãi suất biến động, thời gian thi công kéo dài… do đó các nhà đầu tư sẽ không tham gia.
|
Chỉ được thực hiện BOT trên các tuyến đường xây mới. Ảnh: Trần Anh. |
Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) lo ngại, nếu đảm bảo cự ly 70 km nhiều dự án, các trạm BOT sẽ rơi vào nơi đông dân cư. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn và ách tắc giao thông.
Dưới góc độ doanh nghiệp, giám đốc một công ty vận tải chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội nêu quan điểm dù không quy định khoảng cách tối thiểu nhưng các trạm BOT không cách nhau dưới 50 km trên cùng tuyến đường. Nếu khoảng cách quá gần sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định Dự thảo thông tư 49 sẽ được lấy ý kiến đóng góp trong 1 tháng từ (8/5 đến 8/6). Sau khi tiếp thu ý kiến từ các ban, ngành, địa phương, Bộ GTVT hoàn thiện và ban hành.
Đặt trạm không cần xin ý kiến người dân
Ngoài việc bỏ quy định khoảng cách, dự thảo lấy ý kiến lần 2 này cũng bỏ qua lấy ý kiến người dân khi đặt trạm thu phí, Theo đó, trạm thu phí trên quốc lộ cần phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương như HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Đối với đường địa phương, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT.