Bộ Quốc phòng trả lời việc xử lý người trốn khám nghĩa vụ quân sự

Google News

Theo Bộ Quốc phòng, hành vi vi phạm, không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Có ý kiến cử tri cho rằng, Điều 332, Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ Luật Hình sự) quy định “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự chỉ quy định không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện mà không quy định lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Do đó, công dân không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính mà không thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 332, Bộ Luật Hình sự.
Từ những vấn đề trên, cử tri đề nghị xem xét trình Quốc hội bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế để công tác tuyển quân có chế tài răn đe đối với những trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Bo Quoc phong tra loi viec xu ly nguoi tron kham nghia vu quan su
Thanh niên Hà Nội nhập ngũ năm 2023. Ảnh: TTXVN.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời, nêu rõ Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Theo đó, “trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.
Đồng thời, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 cũng quy định “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trên cơ sở quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm, việc xử lý hình sự được quy định cụ thể tại Điều 332 Bộ luật Hình sự.
Với quy định tại Bộ luật Hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Bộ Quốc phòng đã góp phần răn đe, ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm liên quan trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những vướng mắc như cử tri phản ánh, thực tiễn trong những năm qua việc xử lý hành vi vi phạm trong sơ tuyển và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự còn khó khăn và chưa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật do hành vi vi phạm không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu, phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Điều 332 Bộ luật Hình sự theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV;
Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, theo đó các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Bình Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)