Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, thứ nhất, điểm chuẩn tăng là do số lượng thí sinh tăng mạnh, từ 900.000 lên 1.020.000 thí sinh (tăng hơn 11% so với năm ngoái).
Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học cao đẳng cũng tăng 24% so với 2020 – một phần nguyên nhân là do các em không thể đi du học hoặc xu hướng chọn học đại học tăng lên. Điều này làm cho điểm chuẩn của một số trường tăng vọt.
Trong khi điểm chuẩn của các trường tốp trên có tăng nhưng không đáng kể, số thí sinh còn lại sẽ tập trung vào các trường, ngành tốp giữa. Theo ông Sơn, điều đó đã dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn ở các trường, nhóm ngành tốp giữa bứt phá mạnh.
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn |
Nguyên nhân thứ hai khiến điểm chuẩn tăng mạnh, theo Thứ trưởng, là do tác động của xu hướng chọn ngành. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, những ngành, nhóm ngành tăng nhiều (từ 5 điểm trở lên) thuộc về khối ngành Kỹ thuật và Công nghệ (với 70 mã ngành tăng); sau đó đến nhóm ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (với 64 mã ngành tăng).
Hai nhóm ngành này đã chiếm một nửa số ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm ngoái. Xếp sau đó là các ngành Kinh doanh & Quản lý, Khoa học xã hội & nhân văn, Pháp luật,…
“Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên chiếm 8%, trong đó tăng từ 9 - 11 điểm có khoảng 30 ngành, chưa tới 1%. Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Xu hướng chọn khối ngành Kỹ thuật và Công nghệ và Đào tạo giáo viên là một tín hiệu đáng mừng cho hệ thống”, ông Sơn nói.
Nguyên nhân thứ 3, theo ông Sơn, đến từ kết quả bài thi môn tiếng Anh có phần cải thiện so với năm 2020, từ đó góp phần làm tăng điểm chuẩn. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, việc điểm tiếng Anh tăng là “một tín hiệu đáng mừng”.
Ngoài ra, số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên (ở tất cả tổ hợp) chiếm 4,7% “cũng là điều hết sức bình thường”.
Đang xây dựng phương án để kỳ thi thực chất hơn
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, chuyện nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 là một điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, đó không phải dấu chấm hết do các trường vẫn còn nhiều hình thức xét tuyển; thí sinh vẫn còn cơ hội để trúng tuyển theo những phương thức xét tuyển khác.
“Việc xét tuyển đại học là một câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GD-ĐT đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng những lộ trình, phương án để kỳ thi đi vào thực chất hơn, giúp các trường có thể đánh giá chính xác năng lực của thí sinh.
“Năm 2021, trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường dù đã xây dựng những phương án xét tuyển khác nhau bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy, nhưng cuối cùng vẫn không thể tổ chức được.
Trong điều kiện những năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ có những phương án để các trường đại học được tăng quyền tự chủ, có thể phối hợp với nhau để đưa ra những phương thức tuyển sinh bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Điều này nhằm đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá tốt năng lực của thí sinh, giúp các em không phải dự thi nhiều lần mà các trường vẫn có thể vẫn chọn được thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường mình”, Thứ trưởng Sơn nói.