|
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 |
Theo đề án đổi mới thi này, kỳ thi THPT quốc gia gồm 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn, nâng cao độ phân hóa của đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 749 tỉ đồng, trong đó năm 2018 chi hơn 344 tỉ đồng, năm 2019 hơn 203 tỉ đồng và năm 2020 hơn 201 tỉ đồng. Việc đầu tư được chú trọng vào công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, đồng thời xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia.
Ngân sách dành cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa là hơn 266 tỉ đồng. Trong đó, năm 2018 dự kiến đầu tư hơn 84,7 tỉ đồng để biên tập 126.000 câu hỏi thô, sau khi thẩm định kỹ thuật câu hỏi thi sẽ chọn lọc còn khoảng 70.560 câu, số tổ hợp câu hỏi thử nghiệm là 1.544, số đề thi chuẩn hóa là 756…
Kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí là 317 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2018 kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm là 153 tỉ đồng. Nguồn tiền này sẽ đầu tư cho phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phần mềm phục vụ xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa kết hợp chấm thi, ôn luyện thi trực tuyến; thiết bị công nghệ thông tin và thiết bị bảo mật phục vụ phòng máy chủ, hệ thống phần cứng, phần mềm giám sát thi…
Con số 749 tỉ đồng cho việc đổi mới tuyển sinh trong 3 năm đã khiến nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng. Một giảng viên của ĐH quốc gia đặt câu hỏi, việc đầu tư tới gần 750 tỉ đồng cho đổi mới tuyển sinh trong 3 năm có phải là thật sự cần thiết? "750 tỉ đồng là một con số quá lớn trong tình trạng ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Theo tôi hiểu, khi thi trắc nghiệm, các đề thi được lấy từ ngân hàng câu hỏi, và những câu hỏi đã chuẩn hóa trong ngân hàng hoàn toàn có thể sử dụng cho những năm sau. Vậy có nhất thiết phải đầu tư lớn như vậy. Có phải Bộ GD-ĐT đang nhiều tiền quá không?"- chuyên gia này đặt vấn đề.