Người lạ đe dọa thanh niên quay CSGT: Giải oan "nhân viên tiếp thị sữa"

Google News

(Kiến Thức) - Cụm từ "nhân viên tiếp thị sữa" được dùng để ám chỉ đối tượng hành hung người dân quay CSGT khiến cho những người làm nghề tiếp thị chân chính không khỏi mặc cảm.

Mời độc giả xem video clip "người lạ" rượt đuổi người quay clip CSGT ở cửa ngõ Sài Gòn:
Suốt những ngày qua, sự việc một người dân khi dùng camera hành trình quay lại video clip lực lượng CSGT Rạch Chiếc (PC67, Công an TP.HCM) xử lý người vi phạm tại khúc cua trên cầu vượt trạm 2 thì bị người đàn ông lạ mặt (đứng chung với các CSGT) dùng xe máy rượt đuổi, đe dọa, yêu cầu xóa clip khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Sau đó, lai lịch “người lạ mặt” nói trên được xác định là Nguyễn Anh Hào (35 tuổi, ngụ phường Long Bình, quận 9, TP.HCM). Người này hành nghề chạy xe ôm tại khu vực gần cầu Đồng Nai và Khu du lịch Suối Tiên ở cửa ngõ Sài Gòn (tuyến đường do Đội CSGT Rạch Chiếc tuần tra kiểm soát giao thông).
Nguoi la de doa thanh nien quay CSGT: Giai oan "nhan vien tiep thi sua"
 Người đàn ông tên Hào này được ví với cụm từ "nhân viên tiếp thị sữa" để ám chỉ hành động đuổi đánh người dân ghi hình CSGT.
Trước đó, hàng loạt vụ việc người dân dùng ĐTDĐ ghi hình hoặc tranh cãi với lực lượng CSGT về lỗi vi phạm cũng đã bị các đối tượng “lạ mặt” chửi bới, thậm chí lao vào hành hung… và cụm từ “nhân viên tiếp thị sữa” để ám chỉ những đối tượng này đã trở nên quen thuộc, xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.
Nguoi la de doa thanh nien quay CSGT: Giai oan "nhan vien tiep thi sua"-Hinh-2
Cụm từ “nhân viên tiếp thị sữa” để ám chỉ những đối tượng lạ mặt lẩn quẩn gần CSGT và sẵn sáng chửi bới, thậm chí tấn công người dân ghi hình, tranh cãi với CSGT.
PV Kiến Thức đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Anh Sơn, một người làm công việc tiếp thị cho hãng sữa C. khá nổi tiếng. Anh Sơn cho biết, anh và nhiều đồng nghiệp khác cũng rất tâm tư khi nghề của mình bỗng chốc bị gán ghép vào việc làm xấu.
Nguoi la de doa thanh nien quay CSGT: Giai oan "nhan vien tiep thi sua"-Hinh-3
Nhiều người làm công việc tiếp thị sữa bày tỏ nỗi niềm về việc công việc của mình bị gán ghép từ hành động của không ít đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. 
Theo anh Sơn thì những ngày qua, khi xảy ra vụ việc người đàn ông rượt đuổi, đe dọa người quay clip ở cầu vượt trạm 2, sau đó cụm từ “nhân viên tiếp thị sữa” bị đem ra lên án dày đặc khiến anh và nhiều đồng nghiệp, dù hoàn toàn không liên quan gì nhưng cũng cảm thấy bị ảnh hưởng.
“Hôm qua đi sinh nhật người bạn, khi biết tôi làm nhân viên tiếp thị sữa, một số người bạn nói đùa rằng tôi là đồng nghiệp của những người lẩn quẩn xung quanh CSGT khiến tôi vô cùng mặc cảm và xấu hổ”, anh Sơn chia sẻ.
Cũng chung nỗi niềm như anh Sơn, anh H., nhân viên tiếp thị sữa cho hãng V. buồn bã nói: “Cụm từ này xuất phát từ việc một đối tượng đánh người trên QL51 ở tỉnh Đồng Nai khi nạn nhân cự cãi với CSGT. Đến nay, hiện tượng người lạ xuất hiện nhiều xung quanh CSGT và gây ra nhiều hành động vi phạm pháp luật khiến dư luận bức xúc, mỉa mai với cụm từ “nhân viên tiếp thị sữa” khiến những người làm công việc như chúng tôi bị ảnh hưởng và mặc cảm”.
Vì sao có cụm từ “nhân viên tiếp thị sữa”?
Đầu tháng 9/2015, anh Nguyễn Vũ Duy điều khiển xe máy chở chị Đỗ Vũ Hoàng Anh (cả 2 ngụ quận 9, TP.HCM) lưu thông trên QL51 (đoạn qua huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và bị CSGT thuộc Trạm Tuần tra Kiểm soát giao thông ngã 3 Thái Lan (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) chặn dừng xử lý vì vi phạm chạy quá tốc độ.
Nguoi la de doa thanh nien quay CSGT: Giai oan "nhan vien tiep thi sua"-Hinh-4
Vết thương trên miệng của chị Hoàng Anh bị "nhân viên tiếp thị sữa" ở Đồng Nai hành hung khi nạn nhân tranh cãi với CSGT. 
Trong quá trình xử lý, cho rằng CSGT có dấu hiệu tiêu cực, chị Hoàng Anh tranh cãi, đồng thời dùng ĐTDĐ ghi hình CSGT. Lúc này, đối tượng Phạm Minh Trí (35 tuổi, ngụ huyện Long Thành) dù không có nhiệm vụ gì nhưng vẫn đứng chung với các CSGT và dùng tay đánh chị Hoàng Anh khiến nạn nhân chảy máu miệng.
Vụ việc sau đó được đưa về trụ sở trạm CSGT để giải quyết. Ngày hôm sau, video clip về vụ việc được tung lên mạng xã hội kèm lời tố cáo của chị Hoàng Anh rằng mình bị "người lạ" trong nhóm CSGT trạm Ngã 3 Thái Lan đánh trong lúc chị đang tranh cãi với CSGT về việc nhóm này “nhận 500.000 đồng"; bạn trai chị đứng gần đó cũng bị túm lại nên không thể can thiệp.
Vụ việc gây bức xúc dư luận, nhiều cơ quan báo chí đồng loạt vào cuộc và Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ.
Sau đúng 1 tháng, kết luận của Công an tỉnh Đồng Nai xác định Phạm Minh Trí là “nhân viên tiếp thị sữa”, đứng nghe bộ đàm và ghi chép vi phạm tốc độ, thời gian, biển kiểm soát phương tiện vi phạm "giúp" công an. Từ đó dẫn đến việc Trí đánh vào mặt chị Đỗ Vũ Hoàng Anh gây thương tích.
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)