Vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn – nhà sư dính nghi án gạ tình phóng viên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương Giáo hội đến mức bị bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng, đồng thời phải xin xả giới, hoàn tục khiến dư luận cho rằng, dù đã nhiều năm tu tập nhưng nhà sư Thích Thanh Toàn đã không giữ được phẩm hạnh chân tu. Bởi những người tu hành mà thân bại danh liệt thì nguyên nhân chính là do những chướng duyên hiện tại, cụ thể đó chính là vật chất, danh lợi trong cuộc đời, khiến cho những tập khí phiền não tăng trưởng, làm cho công đức tu hành bại hoại hết. Thật là đáng tiếc!
Vậy 13 phẩm hạnh chân tu là gì? – Điều này đã được chỉ rõ trong kinh Phụ Tử Cộng Hội Kinh - một trong 16 bài kinh thuộc Nghĩa Túc Kinh kinh thứ 15, nằm trong Đại Tạng Đại Chánh Tân Tu 198.
Theo đó, trước hết đó là một người đã buông bỏ hết tất cả những hận thù trong quá khứ, một người không còn mơ tưởng, vướng mắc gì vào tương lai. Và cả chính trong hiện tại người đó cũng không vướng vào hư danh và sự tôn kính của người đời. Người đó là một bậc Mâu-ni, một người toàn thiện.
|
Đại đức Thích Thanh Toàn. |
Thứ hai, không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ. Người ấy trên bước đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào. Do buông bỏ được tất cả những hận thù, phiền muộn nên không còn ưu sầu về quá khứ, không mong mỏi, mơ tưởng hão huyền trong tương lai nên không tham đắm vào tương lai. Bậc Mâu-ni ấy là người đã buông bỏ không còn vướng mắc vào tiền tài danh vọng, xa lìa những nhận thức sai lầm, không còn chấp trước vào bất kỳ một ý kiến, nhận định thiên lệch nào của bản thân.
Thứ 3, đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi, nuôi dưỡng được chánh tín, diệt trừ được nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỉ với những gì đang có, yêu nếp sống thảnh thơi.
Thứ 4, có khả năng tiết chế, không tham vọng, có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai, không nói xấu ai, không trau chuốt bên ngoài, không nói lưỡi hai chiều, người ấy buông bỏ mọi hý luận và nghi ngờ.
Thứ 5, Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư vọng, bước đi an tường, người ấy có khả năng giải tỏa được mọi tranh chấp, không bị dục kéo đi, và đoạn trừ được mọi dục tưởng. Phải nhận rõ rằng, mọi dục tưởng là do tri giác sai lầm đưa tới ham muốn. Nếu không có dục tưởng thì sẽ không có ham muốn. Do chúng ta tham muốn tìm cầu nhiều thứ, nào là tiền tài, danh vọng, quyền hành, nữ sắc, vì cứ nghĩ chúng sẽ đem lại cho mình an lạc và hạnh phúc, cho nên chúng ta khổ đau nhiều. Còn vị ấy biết rõ, một khi bị vướng vào những thứ đó rồi mình sẽ mất hết hạnh phúc, thảnh thơi, an lạc mà chỉ còn lại toàn là đau khổ.
Thứ 6, Không mưu toan để đạt tới một cái gì mình muốn, cũng không lo lắng khi mình không có cái kia, người ấy không oán giận, không bị vị ngọt của ái dục sai sử. Muốn có phẩm chất này phải đoạn trừ được sự luyến ái, không còn bị nô lệ cho ái dục. Dù đây là một điều rất khó làm được, vì sở dĩ chúng ta có mặt trong cuộc đời này là do ái dục; chúng ta trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chịu đủ mọi đau khổ triền miên cũng là do ái dục. Ái dục chính là nguồn gốc của sinh tử luân hồi, là nguyên nhân của khổ đau, nên xa lìa được ái dục tức là an vui giải thoát.
Thứ 7, không tự cao, thấy được tự tánh bình đẳng và vô ngã, không có mặc cảm thua người hay bằng người; biết quán chiếu, biết đình chỉ tâm ý, biết cái gì là thiện cái gì là ác và buông bỏ được những vọng cầu về tương lai.
Thứ 8, biết quán chiếu và thấy được tự tính các pháp, không còn bị kẹt vào một pháp nào, không cần nương tựa vào một pháp nào, cũng không kẹt vào ý niệm có và ý niệm không.
Thứ 9, ái đã diệt, tâm đã tĩnh, người ấy đã vượt qua biển sầu khổ tới bến bờ vô ưu, không còn theo đuổi tìm cầu lạc thú trong ba cõi. Đã cởi trói, đã buông bỏ tất cả, không còn có gì để gọi là sở đắc. Ái dĩ diệt: Những tham ái đã bị cắt đứt.
Thứ 10, không cần con trai, không cần ruộng đất, không cần trâu bò, không cần của cải, châu báu ngày càng nhiều, không còn gì hoặc để nắm bắt hoặc để đuổi xua.
Thứ 11, dù bị người ta công kích, phỉ báng, xúc phạm và lên án một cách không có căn cứ, dù có bị các vị Phạm chí và Sa-môn hay cả những người trong giới gọi là tu hành chê bai, người ấy vẫn ngồi yên bất động, vẫn cứ đường mình mình đi.
Thứ 12, Không tật đố, không xan tham, dù có được thế gian tôn kính người ấy cũng không bị vướng mắc. Người ấy không tự tôn, không tự ti, không đòi bằng người, cái gì đúng pháp thì làm, phi pháp thì bỏ.
Thứ 13, Thấy được tính Không, đạt tới vô cầu, vô đắc, không còn vui cái vui phàm tục của thế gian, tâm ý đã thực sự dừng lại, vị Mâu-ni vượt thoát thời gian, đạt tới bản môn, đi vào kiếp ngoại.
Như vậy, con người trí tuệ tịch tĩnh của dòng họ Thích-ca đã đích thân minh chứng cho tất cả mọi người trên thế gian này thấy rõ một điều là: từ một con người bình thường sống trong khổ đau triền miên, bị trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi như bao người khác, nhờ vào sự nỗ lực cố gắng tu tâm dưỡng tính đúng phương pháp của tự thân, hoàn toàn có khả năng giải thoát bản thân ra khỏi mọi sự ràng buộc, đạt đến an vui, tự do, tự tại với ý nghĩa toàn vẹn nhất.
Từ 13 phẩm hạnh chân tu trên ngẫm về những vi phạm, khuyết điểm của Đại đức Thích Thanh Toàn đều xuất phát từ việc không tu luyện được phẩm hạnh của một vị tu hành khi vẫn còn ham muốn ái dục, tài sản. luôn mưu toan để đạt được cái mà bản thân muốn nên đã liên tiếp mắc những sai lầm. Việc Đại đức Thích Thanh Toàn xả giới, hoàn tục là một điều đáng tiếc với những bậc tu hành nhưng đó cũng là bài học để răn đe các thành viên mà mỗi Tăng Ni cần soi chiếu, rút kinh nghiệm sâu sắc trên bước đường tu tập.